Ngày 23/5, tại Hội thảo “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nhiều nhà đầu tư muốn tiến về đồng bằng nhưng lại ngại vì chi phí logistics cao, giao thông kết nối kém.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45/2005 của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đã thực hiện được những kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đã trở thành trung tâm của vùng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tỉ trọng dịch vụ tăng nhanh hơn, nhưng giá trị gia tăng không cao, công nghiệp chiếm tỉ lệ cao (90%) nhưng quy mô nhỏ… Kết cấu hạ tầng của Cần Thơ nhiều tiến bộ nhưng chưa đảm bảo nhu cầu, hạ tầng kết nối giao thông khu vực còn yếu kém…
Chia sẻ thông tin tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhà khoa học, các Viện, Trường Đại học cũng cho rằng, Cần Thơ hội tụ nhiều tiềm năng thế mạnh, tuy nhiên hạ tầng giao thông phát triển vẫn chưa đồng bộ là điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế - xã hội của nơi đây.
Cụ thể, theo GS.TS. Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế TP.HCM, TP Cần Thơ trong tiến trình trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu như tốc độ tăng trưởng chưa thật cao, mặc dù được đầu tư nhiều, chưa có những doanh nghiệp đầu đàn, mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế TP hay môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL…
Đặc biệt là cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng đường bộ nối kết Cần Thơ với các tỉnh trong Vùng chất lượng còn thấp, QL1A thường xuyên quá tải, các cầu trên các đường QL trọng tải không đáp ứng xe tải, xe container có trọng tải lớn chạy. Các tuyến quốc lộ gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... vẫn đang quá trình dự kiến triển khai.
Về hàng không, sân bay Cần Thơ được thiết kế có khả năng tiếp nhận 2-5 triệu khách/năm, nhưng hiện chỉ hiện khai thác 15-20%, chưa kể đến các tuyến bay quốc tế vẫn còn hạn chế.
Còn về đường thủy, địa phương có 2 cảng biển lớn nhưng công suất hoạt động lại kém hiệu quả, nguyên nhân là do luồng Định An bị phù sa lấp, kênh Quan Chánh Bố dù đã thông luồng, dẫn đến tàu đầy tải 10 ngàn tấn và tàu vơi tải 20 ngàn tấn vẫn chưa thể ra vào các cảng.
“Nhiều nguy cơ cảng container duy nhất tại Cần Thơ phải đóng cửa sau gần 4 năm đi vào hoạt động. Đánh giá về hàng hải của vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT vào tháng 1/2019 cho rằng, cảng Cái Cui hiện không hiệu quả, cần phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cảng mới trong vùng ĐBSCL”, GS.TS. Võ Thanh Thu thông tin.
Đồng quan điểm, đại diện từ Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ chia sẻ, để phát triển công nghiệp, dịch vụ, cần phải thúc đẩy năng lực vận tải và phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL, đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy nhằm khai thác đúng tiềm năng của hệ thống giao thông thủy trong khu vực và Đông Nam Bộ.
Trong đó, cần được hiện thực hóa tuyến hành lang Đông - Tây kết nối ĐBSCL (trung tâm kinh tế Cần Thơ) với TP.HCM và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Song song đó, kết hợp hai tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ, luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và tuyến kênh Chợ Gạo đồng bộ với tuyến hành lang Đông - Tây sẽ tạo ra tiềm lực mới cho phát triển trung tâm kinh tế Cần Thơ và logistics ĐBSCL.
Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao các ý kiến tham luận đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện đề án, đưa ra những giải pháp mang tính tích cực đáp ứng nhu cầu phát triển Cần Thơ trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận