Xã hội

Hạ tầng giao thông phát triển là tiền đề để Cần Thơ thay đổi

10/08/2018, 16:21

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Cần Thơ phải cộng hưởng với các địa phương khác để cùng phát triển.

_DSF6695

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Sáng 10/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 của TP Cần Thơ với chủ đề: “Chia sẻ tiềm năng - Cùng nhau phát triển”.

Tại hội nghị đã công bố danh mục 54 dự án mời gọi đầu tư, tổng diện tích 4.780 ha, nguồn vốn gần 124.000 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng nông nghiệp hiệu quả cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của TP Cần Thơ trong thời gian qua. Hôm nay, thành phố đã xúc tiến thành công hàng chục dự án với nhiều loại hình có tổng mức đầu tư trên 85 nghìn tỷ.

Thủ tướng nhận định: “TP Cần Thơ đang có sức bật vươn lên mạnh mẽ, là địa phương có tiềm năng trở thành thành phố đô thị sinh thái sông nước. Tuy nhiên, để phát huy được điều đó, địa phương cần phải cộng hưởng cùng các địa phương khác trong khu vực để cùng nhau phát triển”.

Thủ tướng cho rằng, về công nghiệp chế biến, nơi đây đang phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ đô thị hóa cao. Thu nhập bình quân đầu người Cần Thơ cao gấp 1/4 cả nước. Dự đoán, trong thời gian tới có thể lên 81 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, là nguồn lao động dồi dào, 60% tay nghề lao động được đào tạo khá tốt và đây là điểm quan trọng cho bất cứ nhà đầu tư nào khi muốn đầu tư vào thành phố.

“Song song đó là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cả về đường bộ lẫn đường thủy, đường hàng không đang được phát triển và ngày càng hoàn thiện. Đây là tiền đề cho TP Cần Thơ thay đổi diện mạo trong tương lai”, Thủ tướng nhận định.

 Logistic có tốc độ tăng trưởng tương đối cao

_DSF6518

Hàng trăm đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 tại Cần Thơ

Trong các dự án mời gọi đầu tư lần này của TP Cần Thơ, có 2 dự án liên quan đến lĩnh vực logistic là Trung tâm logistic hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ dự kiến mức đầu tư trên 4.100 tỷ; dự án đầu tư Trung tâm logistic hàng không Cần Thơ vốn dự kiến 400 tỷ.

Nói về vấn đề logistic, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, vừa qua dịch vụ logistic có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt từ 15-16%. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistic đạt khoảng 30-45%.

“Nhìn chung, nền kinh tế đang có sự chuyển dịch đúng hướng đó là tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông-lâm-thủy sản và ổn định tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp và gia tăng đáng kể của logistic”, ông Anh cho hay.

Cuối tháng 7, Ngân hàng Thế giới công bố bộ chỉ số Hiệu quả logistic năm 2018, Việt Nam xếp thứ 39, tăng 25 bậc so với năm 2016. Riêng TP Cần Thơ, với vị trí là trung tâm của vùng ĐBSCL cần đóng góp vai trò quan trọng, đi đầu về phát triển loại hình dịch vụ này, không chỉ để phục vụ thành phố mà còn đáp ứng cho cả khu vực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương đã nêu lên 9 nội dung để các nhà đầu tư, chuyên gia cùng tham gia thảo luận. Cụ thể: tạo thuận lợi hóa cho lưu thông hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các nước trong khu vực và thế giới; Tăng cường phối hợp thu hút đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, các trung tâm logistic và hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn, xây dựng cảng biển đủ tầm cỡ đối với khu vực để đón tàu lớn có thể khai thác các tuyến đường xa, giảm bớt tỷ lệ hàng phải đưa lên các tuyến trung chuyển ở TP Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu; Hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ.

Nghiên cứu việc mở rộng đường bay của sân bay quốc tế Cần Thơ; Tạo hệ thống thông thoáng để mở rộng dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua Cần Thơ sang Campuchia và ngược lại; Xem xét xây dựng quy hoạch  hay kế hoạch phát triển logistic chung của cả vùng ĐBSCL thay vì kế hoạch phát triển cho từng địa phương riêng lẻ; Tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp chủ hàng tại Cần Thơ với các doanh nghiệp dịch vụ logistic để khai thác tối đa cơ sở hạ tầng đã có; Đề xuất các giải pháp nhằm đò tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cuối cùng là hoàn thiện Quy hoạch Trung tâm logistic hàng II tại TP Cần Thơ với tổng diện tích 242,2ha tại Cái Cui, để mời gọi đầu tư và phát triển.

HN2

Một góc TP Cần Thơ. Ảnh: Lê An

Logistic tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, tại khu vực ĐBSCL, đơn vị đã đầu tư, quản lý khai thác 7 cơ sở cảng, trong đó có cảng Tân cảng Cái Cui. Năm 2017, tổng sản lượng thông qua 7 cảng này đạt 60.000 Teu, tăng 22% so với 2016. Hiện, có hơn 100 sà lan tự hành, chủ yếu hoạt động tại khu vực phía Nam, kết nối với khu vực ĐBSCL theo 2 nhánh sông Hậu và sông Tiền và đang chiếm lĩnh khoảng 78% thị trường vận tải container bằng sà lan khu vực phía Nam.

_DSF6717

Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư do UBND Cần Thơ tổ chức

Qua đó, đơn vị này cũng đã có một số kế hoạch và giải pháp như: sẽ triển khai tàu container quốc tế tuyến Nội á cập cảng Tân cảng Cái Cui sau khi luồng Quan Chánh Bố được nạo vét; Phát triển cụm cảng Cái Cui với chiều dài 1.210m cầu cảng thành cảng tổng hợp - cảng trung tâm của cả vùng; xây dựng, phát triển khu 242ha liền kề thành khu logistics trung tâm của khu vực ĐBSCL, góp phần giảm được chi phí thời gian vận chuyển, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL…

Còn ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới nhận xét TP Cần Thơ là nhà sản xuất hàng đầu của khu vực ĐBSCL, các phương diện về đời sống vật chất và tinh thần, cơ sở hạ tầng công cộng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Cơ sở hạ tầng vật chất được tăng cường với nhiều dự án mang bước ngoặt như: Cảng biển Cái Cui với Trung tâm logistics, cầu Cần Thơ, QL91 và mạng lưới giao thông nông thôn đang từng bước được xây dựng và nâng cấp. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng đầy ấn tượng này đã làm cho Cần Thơ trở thành cửa ngõ của hạ lưu sông Mêkong, là đầu tàu kinh tế của khu vực, thể hiện vị thế tốt nhất để trở thành một trung tâm dịch vụ logistic của toàn bộ khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông đa phương thức, cùng với việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho loại hình dịch vụ này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.