Hạ tầng

Hạ tầng giao thông tạo động lực bứt phá vùng Tây Nam bộ

11/12/2015, 08:49

Hiện tại, hệ thống giao thông Tây Nam bộ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

9
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Đinh La Thăng trao tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc phát triển giao thông 5 năm qua

Chiều qua (10/12), Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức tổng kết công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 5 năm (giai đoạn 2010 - 2015), đồng thời định hướng phát triển đến năm 2020.

Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố trong khu vực. 

Kết nối liên hoàn

Một trong những công trình được xem là cực kỳ quan trọng đối với dân sinh của vùng ĐBSCL là cầu Năm Căn (tỉnh Cà Mau). Ông Trần Hoàng Lạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, trước đây do đường đi còn cách trở, vì vậy Đất Mũi vẫn còn xa với khách tứ phương. Cách đây 10 năm, từ Đất Mũi đi TP Cà Mau phải mất hai ngày. Thời đó dân có biết đường sá gì đâu, cách duy nhất là đi bằng ghe thuyền. Ngày nào thủy triều là kẹt giữa vùng sông nước.

Nhưng kể từ khi có đường HCM đoạn Năm Căn - Đất Mũi, đặc biệt là cây cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn hoàn thành, chia cắt không còn dân Đất Mũi mừng như vớ được vàng. Bởi theo ông Trần Hoàng Lạc, hệ lụy của việc không có cầu, đường ở đây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của bà con. Ngày trước, cứ trúng mùa thì gặp phải trở ngại trong vận chuyển hàng đi bán, vì hầu như ai cũng phải dùng vỏ lãi. Chuyện bị sóng đánh úp mất trắng hàng hóa cứ luôn rình rập. Chi phí vận chuyển còn đội lên gấp 5 lần.

Kết quả đạt được sau 5 năm

Tính đến hết tháng 12/2014, toàn vùng Tây Nam bộ có 344/1.284 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc bảo trì đường bộ, gia cường cầu yếu để tăng cường khả năng khai thác, đảm bảo TTATGT cũng đã được các cấp chú trọng góp phần giảm sâu TNGT trên cả ba tiêu chí…

“Từ ngày có đường Hồ Chí Minh qua huyện, bà con đi lại dễ dàng, kinh phí vận chuyển giảm thấy rõ, lợi nhuận cũng tăng gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, du lịch địa phương cũng khởi sắc. Hiện giờ, bà con vùng Ngọc Hiển, Đất Mũi hào hứng mạnh dạn đầu tư làm ăn. Vì đơn giản ở đây giờ có thiếu gì nữa đâu, nào điện nước, cầu đường hoành tráng, và có cả cảng đang xây. Rồi doanh nghiệp sẽ đến đầu tư sản xuất, chắc chắn huyện sẽ bứt phá vươn lên phát triển kinh tế”, ông Lạc nói.

Với kết cấu hạ tầng giao thông ngày được kết nối liên hoàn, thuận lợi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở các tuyến Tây Nam bộ như: Phương Trang, Vũ Linh; Hãng hàng không Vietjet Air… đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Thậm chí, nhiều hãng xe còn cạnh tranh giá vé với máy bay giá rẻ. Nhiều hãng taxi liên tục giảm giá khiến thị trường vận tải hành khách trở nên sôi động. Việc làm này khiến người dân hưởng lợi một cách thấy rõ.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air cho biết, tại hội nghị, nhờ trong thời gian qua kết cấu hạ tầng giao thông được Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm đầu tư tạo ra nhiều cơ hội phát triển ngành du lịch nên Vietjet Air cũng đã mạnh dạn đầu tư khai thác nhiều chuyến bay quốc tế tại các sân bay trong khu vực. “Trong năm 2016, Vietjet Air sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào khai thác hết công suất ở thị trường này”, bà Hà khẳng định.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, sau 5 năm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ GTVT và chính quyền 13 tỉnh, thành khu vực đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng 44.084 km đường giao thông nông thôn, xây mới và kiên cố 19.877 cầu với tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 24.379 tỷ đồng. Tổng kinh phí trong giai đoạn 2010 - 2015 là 58.778 tỷ đồng, chưa kể các dự án đang triển khai. Qua đó đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.036 km đường quốc lộ và 60,2 km cầu được xây mới và nâng cấp mở rộng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, việc hoàn thành hàng loạt các cầu lớn trong khu vực như: Cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... đã phá thế ngăn sông cách trở. Người dân đi lại từ các tỉnh về TP HCM đã không còn phải lụy đò phà như trước đây. Cùng với đó, việc hoàn thành xây dựng CHKQT Cần Thơ, Phú Quốc đã tạo thuận lợi cho đi lại, giao thương giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi đầu tư ODA và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong cả nước. Qua đó phấn đấu đến năm 2020 vùng Tây Nam bộ sẽ cơ bản phát triển thành khu vực công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao nỗ lực của ngành GTVT và các tỉnh, thành khu vực. Theo Phó Thủ tướng, đến thời điểm hiện tại, hệ thống giao thông Tây Nam bộ đã cơ bản đáp ứng khá rõ nét nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Đặc biệt, hệ thống giao thông ngoài phục vụ đời sống của người dân còn đáp ứng được yêu cầu trong đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

“Thay mặt cho Chính phủ, tôi ghi nhận các ý kiến tham luận, đóng góp của từng địa phương. Trong thời gian tới, tôi đề nghị Bộ GTVT cần rà soát lại toàn bộ đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông toàn vùng. Phân công nhiệm vụ và có kế hoạch cụ thể chặt chẽ, phân kỳ thời gian thực hiện gắn với các nguồn vốn; Gắn trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc tiếp tục triển khai đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải của toàn khu vực”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Dịp này, Bộ GTVT cũng đã trao tặng giấy khen cho 16 tập thể đơn vị và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho việc phát triển giao thông trong 5 năm qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.