Động lực lan tỏa
Đánh giá ý nghĩa việc thời gian qua Chính phủ dành nguồn lực đáng kể để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng đây là giải pháp rất đúng hướng.
Theo ông Lộc, đầu tư cho giao thông sẽ giúp kích hoạt tăng trưởng một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới khó khăn, tác động đến Việt Nam nhiều như hiện nay.
"Xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng trong nước bị thu hẹp, thu nhập của người dân giảm, thị trường bất động sản khủng hoảng... thì động lực tăng trưởng trông chờ rất nhiều vào đầu tư công", ông Lộc nhận định.
Nhiều dự án cao tốc được khánh thành, khởi công trong nửa nhiệm kỳ qua.
Trong đầu tư công, ông Lộc cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược như đường cao tốc, cảng biển đầu mối, cảng hàng không vừa kích thích tăng trưởng, vừa tạo ra động lực, không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Ông Lộc dẫn chứng thực tiễn những tuyến cao tốc, tuyến giao thông huyết mạch, cụm cảng hàng không được tập trung đầu tư vừa qua đã tạo ra động lực tăng trưởng một cách rất rõ rệt, mở ra nhiều cơ hội cho thu hút đầu tư, giảm thiểu chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Các dự án đồng thời tạo ra tác động lan tỏa tới các ngành nghề kinh tế khác.
Ngoài ra, loạt dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các dự án vành đai của Hà Nội và TP.HCM cũng tạo ra số lượng việc làm lớn.
"Không chỉ là "cứu cánh" cho hiện tại, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo đà phát triển kinh tế tương lai. Nhiều địa phương, rộng hơn là nước ta sẽ trở thành điểm đến mà các nhà đầu tư tìm tới. Họ sẽ không đến khi hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa phát triển", ông Lộc nói.
Tạo tiền đề phát triển
Cùng bày tỏ ấn tượng về những kết quả của lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông trong nửa nhiệm kỳ qua, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT.
"Với hơn 600 km đường cao tốc được hoàn thành trong nửa nhiệm kỳ, đây là một điểm rất sáng của ngành giao thông. Cùng với đó là tiếp tục triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và nhiều dự án giao thông lớn khác. Không có một nhiệm kỳ nào chỉ đi qua nửa thời gian mà hệ thống giao thông được đầu tư và có kết quả cao đến thế".
"Mạng lưới giao thông đường bộ đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đã và đang được đầu tư một cách mạnh mẽ để xóa "vùng trắng cao tốc", phát huy tối đa lợi thế trong phát triển kinh tế", ông Hòa nói.
Điểm sáng nữa theo ông Hòa là Chính phủ đã hoàn thành được các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông của 5 loại hình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề để chúng ta xây dựng mạng lưới giao thông bài bản, hiện đại và có tính kết nối cao.
"Lĩnh vực giao thông có được thành công vượt bậc trong nửa nhiệm kỳ vừa rồi, ngoài sự quyết tâm, trách nhiệm của ngành giao thông, phải nói đến sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều chuyến công tác xuống công trường các dự án, tổ chức các cuộc họp cả những ngày nghỉ để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Tôi tin tưởng, với sự quyết tâm cao của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, thời gian tới chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa", ông Hòa cho biết.
Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư
Đánh giá các dự án giao thông đang đem lại sức sống mới cho nền kinh tế, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, nhìn nhận chỉ hơn hai năm qua, đã có hơn 600 km cao tốc mới được khánh thành. Với tốc độ như vậy, có thể thấy mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km vào năm 2030 là khả thi.
"Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành GTVT luôn đứng đầu các bộ, ngành về tỷ lệ giải ngân, dù tổng vốn được giao đã tăng hơn gấp đôi nhiều năm. Điều này rất ấn tượng".
"Nhiều dự án giao thông quan trọng như các tuyến cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không, đường kết nối liên vùng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhiều dự án trọng điểm được khởi công; hoàn thành các quy hoạch tổng thể đối với 5 lĩnh vực GTVT... thể hiện một tầm nhìn mới, quyết liệt, tốc độ, rõ nét", ông Thịnh nhận xét và cho rằng điều đó không chỉ đem lại sức sống mới cho nền kinh tế mà còn là tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Thịnh, để có được những thành công trên là nhờ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ với vai trò, dấu ấn cá nhân rất rõ ràng.
"Từ quan điểm phải làm bằng được hệ thống giao thông chiến lược là cao tốc, cảng biển, cảng hàng không và gần đây là đường sắt cao tốc, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn và cụ thể cho từng loại hình.
Quan điểm rất dứt khoát, quyết liệt thể hiện khi bổ sung nhanh chóng các dự án cao tốc vào giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy mô đầu tư ngay khi dự án đang khởi công như cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với Nội Bài - Lào Cai... Hay các giải pháp tháo gỡ nhanh về chủ trương khi chuyển các dự án cao tốc theo hình thức PPP sang đầu tư công để đảm bảo tiến độ, hiệu quả", ông Thịnh dẫn chứng.
Một điểm sáng nữa cho thấy vai trò, sự quyết đoán, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ là đẩy mạnh việc phân cấp trong đầu tư dự án giao thông trọng điểm. Lần đầu tiên, việc giao UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư các tuyến cao tốc, đường vành đai của 2 thành phố lớn, các tuyến quốc lộ kết nối đã góp phần giúp tiến độ các dự án giao thông có nhiều khởi sắc.
Ngoài ra, những chính sách, chỉ đạo gỡ vướng về nguồn vật liệu, giải phóng mặt bằng được ban hành rất kịp thời, có những giải pháp quyết liệt, gắn trách nhiệm cụ thể… góp phần giúp tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm được đảm bảo.
Để huy động nguồn lực đầu tư mạnh hơn nữa vào hạ tầng giao thông, ông Thịnh cho rằng thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ và sát với thực tế. Trước hết, cần thực hiện thu phí tất cả các tuyến đường cao tốc đủ điều kiện, từ đó tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư cho các dự án mới.
Hai là, khi lập dự án đường cao tốc, cần lập dự án đầu tư tổng thể gắn với việc khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường, tạo thêm nguồn lực mới.
Ba là, hiện đại hóa, công khai minh bạch việc thu phí và việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc để nhân dân, xã hội tin tưởng. Bốn là Nhà nước thí điểm quản lý chi phí đầu tư theo hướng quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra chứ không quản lý quy trình làm ra sản phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận