Mua đất đấu giá nhưng không thể xây nhà vì chưa có đường gom
Năm 2017, UBND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho phép UBND xã Việt Tiến mở bán 30 lô đất có tổng diện tích hơn 5.400m2 nằm sát QL1A ở vùng quy hoạch Đồng Kiệt thuộc thôn Hòa Bình. Vì nhìn thấy các lô đất đều nằm ở vị trí đắc địa, mặt tiền QL1 nên chỉ sau một thời gian ngắn, người dân đã mua hết.
Theo quy hoạch, sẽ có một đường gom được mở trước mặt tiền 30 lô đất rồi mới phân nhánh nối vào tuyến QL1A. Tuy nhiên, kể từ khi bán xong đất đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện làm đường gom, khiến người mua đất không thể xây dựng các công trình, vì không có đường vào.
Anh Lê Song Hồng (47 tuổi, trú ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) cho biết: Năm 2017 gia đình anh bỏ ra 1,5 tỉ đồng mua được 3 lô đất có diện tích đều trên 180 m2 ở khu quy hoạch Đồng Kiệt và đã được UBND huyện Thạch Hà cấp sổ đỏ. Do các thửa đất đều nằm ở mặt tiền QL1A có hệ thống hộ lan rào chắn, nên muốn xây nhà thì buộc xã phải làm đường gom.
“Thời điểm đấu giá đất chính quyền xã không hề nói gì đến chuyện đường gom. Tôi có hỏi thì xã hứa khi nào xây nhà sẽ xin giúp các cơ quan chức năng để tháo dỡ hộ lan. Giờ lực lượng chức năng không cho, chúng tôi rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Nếu trước đây biết rõ như thế này, chúng tôi sẽ không bỏ từng đó tiền để mua đất ở đây. Lúc mua ai cũng muốn là đất bám mặt tiền và cửa mở thẳng ra QL1”, ông Hồng nói.
Cũng như ông Hồng, một số hộ dân mua đất đấu giá ở đây vì nóng lòng muốn làm nhà nên đã tự ý tháo hộ lan QL1 để có đường cho phương tiện vào đổ đất. Hành vi vi phạm pháp luật này đã bị đơn vị quản lý đường bộ lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính.
Điều đáng nói, trong khi người dân không có đường để vào làm nhà thì chính quyền xã Việt Tiến và huyện Thạch Hà không làm đường gom cho người dân theo quy hoạch. Ngược lại, chính quyền nơi đây lại quay lại phát văn bản xin cho người dân được "vi phạm pháp luật" (!?) - tức là xin cho dân tháo hộ lan QL1 để có đường đi vào.
Việc này không chỉ một lần mà lặp lại nhiều lần, như muốn gây áp lực cho đơn vị quản lý đường bộ. Cụ thể, các ngày 24/2/2020 và ngày 28/5/2020 Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà lần lượt có các công văn 303/UBND-KT&HT và 1043/UBND-KT&HT xin Cục quản lý đường bộ II, Chi cục Quản lý đường bộ II.3 và Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân mở tường hộ lan mềm đoạn từ Km501+00 đến Km502+00 QL1 để có lối đi vào thi công nhà cửa.
Tỉnh chỉ đạo huyện vội vã lên kế hoạch làm đường gom
Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Minh - Công chức Địa chính xã Việt Tiến, cho biết: Các lô đất đấu giá ở khu vực này được bán qua 2 thời kỳ chính. Thời kỳ thứ nhất bán trước năm 2016, lúc này chưa có quy định phải làm đường gom nên bìa đỏ của các hộ dân này đều được cấp thẳng ra đường QL1. Thời kỳ thứ hai bán đấu giá sau năm 2016, lúc này đã có quy định phải có đường gom dọc QL1. Trong quy hoạch bán đất, địa phương cũng đã quy hoạch và chừa đất để làm đường gom nhưng vì không có kinh phí nên chưa thực hiện được.
Trong khi đó, ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ II.3, cho biết: Đáng lẽ trước khi tiến hành phân lô, bán nền tại khu đất quy hoạch, UBND xã Việt Tiến phải làm đường gom. Chính vì việc không có đường nên người dân mới phải tháo hộ lan, dẫn đến vi phạm và bị xử phạt.
“Đơn vị có nhận được công văn của UBND huyện Thạch Hà về việc tạo điều kiện cho các hộ dân tháo hộ lan để làm nhà ở. Nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng, thế nhưng theo quy định, các đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh hoặc đường gom. Nếu để các hộ dân tháo hộ lan đấu nối trực tiếp vào QL1A sẽ gây nguy cơ mất an toàn giao thông nên nhất quyết phải có đường gom dân sinh. Quan điểm nhất quán này đã được Cục Quản lý đường bộ 2 gửi văn bản trả lời cho UBND huyện Thạch Hà", ông Giang cho biết thêm.
Trong lúc người dân có nhu cầu xây nhà trên đất của mình đang rơi vào bế tắc thì ngày 24/8/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn số 5675/UBND-GT1 “Về việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng người dân và doanh nghiệp xây dựng đấu nối trái phép trên tuyến QL1”.
Đối với đoạn qua xã Việt Tiến, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Thạch Hà chịu trách nhiệm xây dựng đường gom theo quy hoạch được phê duyệt để đấu nối từ khu đất ở vùng Đồng Kiệt, xã Phù Việt (nay là xã Việt Tiến) vào QL1 tại vị trí đã được Bộ GTVT chấp thuận; tuyệt đối không để người dân tự ý tháo dỡ kết cấu hạ tầng giao thông để san lấp mặt bằng, đấu nối trái phép vào tuyến QL1 như thời gian vừa qua.
Trước những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh thì UBND huyện Thạch Hà đã lập tức chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra để lên phương án làm đường gom cho người dân.
“Chúng tôi đang đi kiểm tra thực địa để khái toán làm đường gom cho người dân đoạn Đồng Kiệt, xã Việt Tiến. Đang có 2 phương án, một là làm đường gom từ đoạn tiếp giáp với xã Thạch Liên đến vào tận điểm đấu nối đã có từ lâu. Thế nhưng phương án này rất khó khả thi vì phải cần một lượng kinh phí rất lớn để đền bù đất đai cho người dân. Phương án thứ 2 là sẽ làm đường gom ở đoạn 30 hộ dân đã được quy hoạch và xin lấy con đường ra đồng lúa có sẵn để làm điểm đấu nối”, một cán bộ phòng KT&HT huyện Thạch Hà cho biết.
Rõ ràng, việc đấu giá đất đai đã đem lại cho xã Việt Tiến và huyện Thạch Hà một nguồn kinh phí rất lớn. Tại sao địa phương này không dùng một phần đó đề làm đường gom và hạ tầng cho khu đất đấu giá. Xây nhà trên đất của mình là nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì chính quyền không làm đường gom nên người dân mới phải tháo hộ lan QL1 để rồi vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Nếu UBND tỉnh không có chỉ đạo kịp thời, UBND huyện Thạch Hà có chịu làm đường gom cho người dân hay họ chỉ biết bán đất thu tiền, còn làm nhà và ở thế nào thì mặc dân?.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận