Thế giới

Hạ viện Mỹ: Tất cả gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine phải do ông Trump quyết định

05/12/2024, 14:40

Ngày 4/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã bác yêu cầu thông qua gói viện trợ trị giá 24 tỷ USD dành cho Ukraine cho đến cuối năm 2024 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoài động thái trên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố, bất kỳ gói viện trợ mới dành cho Ukraine đều phải do Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định khi ông chính thức nhậm chức ngày 20/1 tới.

Theo ông Johnson, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm thay đổi động lực của Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Chính vì thế, ông Johnson nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Biden sẽ không còn có thể ra quyết định nữa.

Hạ viện Mỹ: Tất cả gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine phải do ông Trump quyết định- Ảnh 1.

Hàng viện trợ quân sự và kinh tế Mỹ dành cho Ukraine có thể bị ngừng trệ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức lên nắm quyền (Ảnh: Không quân Mỹ).

“Chúng ta đã có một Tổng thống mới đắc cử và chúng ta sẽ chờ đợi xem vị Tổng tư lệnh mới của nước Mỹ sẽ đi theo chiều hướng nào. Tại thời điểm này, tôi sẽ không thông qua bất kỳ khoản viện trợ nào cho Ukraine”, ông Johnson nói thêm.

Trước đó, Nhà Trắng đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ yêu cầu thông qua việc bổ sung gói viện trợ cho Ukraine cho đến năm 2026 bất chấp thông tin ông Trump sẽ gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 3 năm qua.

Cụ thể, ông Biden yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản tiền 8 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine nhằm cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự, huấn luyện binh sĩ Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Ukraine trước các đợt tấn công dồn dập của Nga trên chiến trường.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu chi 16 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm bổ sung những loại vũ khí, trang thiết bị mà Lầu Năm Góc chuyển giao cho Ukraine cũng như chi phí sửa chữa, bảo dưỡng các loại vũ khí có sẵn trong kho của Bộ Quốc phòng.

Khoản tiền nói trên còn được dùng để giải ngân cho các hoạt động huấn luyện quân sự mà Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho Chính phủ Ukraine và các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực viện trợ cho Ukraine.

Hiện chính quyền Tổng thống Biden còn khoản viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 6 tỷ USD. Song, họ lại đối mặt với những thách thức lớn trong việc chuyển giao toàn bộ số lượng trang thiết bị quân sự đó cho Ukraine bởi các kho vũ khí của quân đội Mỹ đang dần cạn kiệt.

Mới đây nhất ngày 2/12, Chính phủ Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD cho Ukraine bao gồm các hệ thống phòng không, đạn dược cho các hệ thống phóng rocket đa nòng, pháo và vũ khí chống tăng.

Trong khi đa số nghị sĩ phe Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, Tổng thống đắc cử Trump và các đồng minh như Phó Tổng thống đắc cử JD Vance chỉ trích các khoản viện trợ cho Ukraine là lãng phí và đi chệch hướng khỏi những ưu tiên của Mỹ.

Nhằm ngăn chặn khả năng chính quyền mới của ông Trump cắt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine, những nhà lập pháp ủng hộ Ukraine đang nỗ lực thông qua dự luật vào cuối năm nay trong đó trao cho Quốc hội Mỹ quyền buộc Tổng thống phải tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine trong tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.