Ngay sau khi Bộ Công thương lấy ý kiến về đề xuất trao quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính "để đúng chuyên môn, nhiệm vụ", Bộ Tài chính cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công thương điều hành đã khá tốt thị trường xăng dầu trong năm 2022.
“Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng việc điều hành giá đã bám sát diễn biến thị trường, nhịp nhàng, hỗ trợ cho đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, ông Chi nói và cho biết, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, còn Bộ Tài chính là cơ quan cùng tham gia.
Tình trạng xếp hàng mua xăng, hay cửa hàng đóng cửa vì hết xăng là tâm điểm thị trường năm qua
Dù vẫn giữ quan điểm chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công thương, song vị Thứ trưởng nhấn mạnh, quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định.
"Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao", ông Chi nói.
Trước đó, trong thời điểm “nóng” về thị trường xăng dầu. Tình trạng nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa lan rộng kể từ tháng 10. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu không theo kịp thực tế là nguyên nhân được Bộ Công thương xác nhận là khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn…
Lên tiếng về điều này, ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời trước quốc hội khẳng định, các khoản chi phí bao gồm, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, Premium trong nước đều đã được điều chỉnh 2 lần theo biến động, và họ cũng đã nhiều lần gửi văn bản hỏi Bộ Công thương và doanh nghiệp đầu mối về việc “có nâng nữa hay không”, nhưng chưa nhận được trả lời.
Bởi vậy, tại nghị trường, tư lệnh ngành Tài chính đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95, giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công thương, kể cả quyết định giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.
Hiện xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công thương và Tài chính đảm trách...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận