"Không để đầu năm đi bộ, cuối năm chạy"
Tiếp nối không khí thi công xuyên tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những ngày đầu năm mới, trên công trường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ- Cà Mau), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu đã huy động tổng lực, tăng tốc thi công.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Trên công trường thi công cầu vượt nút giao IC3 thuộc dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, ông Đỗ Minh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho hay: Ngay từ mùng 6 Tết, đơn vị đã huy động công nhân triển khai 8 mũi thi công tại hai gói thầu thuộc hai dự án thành phần, trong đó có cầu vượt nút giao IC3.
"Tại gói thầu Cần Thơ - Hậu Giang, chúng tôi đảm nhiệm thi công 9 cầu, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng thi công các cầu này đạt khoảng 64%. Riêng gói thầu Hậu Giang - Cà Mau, chúng tôi thực hiện hai cầu, sản lượng đến nay đã đạt khoảng 74%", ông Châu nói.
Tương tự, dọc theo gói thầu Cần Thơ - Hậu Giang do Tổng công ty Xây dựng số 1 thực hiện, hàng trăm công nhân cũng đang khẩn trương thi công cầu, đắp cát, đắp gia tải.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, các nhà thầu hiện đã huy động hơn 1.000 kỹ sư, công nhân triển khai 168 mũi thi công trên toàn dự án. Trong đó, có 89 mũi thi công cầu, 40 mũi thi công tuyến chính, còn lại tập trung thi công đường công vụ.
"Sau hai ngày kiểm tra, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã yêu cầu tất cả các đơn vị, tập trung thi công ba ca bốn kíp ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, để làm sao đạt được các kế hoạch đã đưa ra. Đặc biệt là các kế hoạch mà nhà thầu đã ký cam kết với chủ đầu tư", giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh.
Theo ông Thi, để đảm bảo tiến độ, hiệu quả triển khai dự án, Ban cũng đã chỉ đạo các nhà thầu xây dựng kế hoạch xử lý nền đất yếu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được điều chỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên thi công trước đối với các đoạn gia tải dài.
Đồng thời, tổ chức phân chia công địa thi công cho các thành viên liên danh nhà thầu phù hợp, khoa học, tránh tình trạng chia nhỏ công địa, ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung.
"Đối với công tác thi công cầu, Ban đã chỉ đạo các nhà thầu phải hoàn thành các cầu trong năm 2024, một số cầu lớn không có cầu tạm hoàn thành trước tháng 9/2024 để phục vụ vận chuyển dọc qua sông.
Các đơn vị tập trung bám sát tiến độ đã đề ra, không được "đầu năm đi bộ, cuối năm chạy" như các dự án trước đây", ông Thi nói.
Đẩy tiến độ cao tốc trục ngang
Tại tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang dài 57,2km, quay trở lại công trường làm việc từ mùng 6 Tết, các nhà thầu đang nỗ lực thi công với mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã được đề ra.
Có mặt tại gói thầu số 43 do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành phụ trách thi công, phóng viên Báo Giao thông ghi nhận công nhân đã có mặt đầy đủ trên công trường và đang rất nỗ lực thi công.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc điều hành dự án, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành cho biết, gói thầu do công ty phụ trách có 11 mũi thi công.
"Theo đánh giá, sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, anh em công nhân đã quay lại công trường. Tất cả đang nỗ lực thi công với mong muốn đẩy nhanh được tiến độ", anh Tuấn cho biết thêm.
Anh Nguyễn Minh Khoa, kỹ sư công trường, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành thông tin: "Trước kỳ nghỉ Tết, công ty đã xây dựng sẵn kế hoạch để khi quay trở lại công trường sẽ triển khai thi công được ngay. Chúng tôi đang rất quyết tâm hoàn thành tốt nhất những phần việc đã được phân công với tinh thần khẩn trương".
Tại gói thầu số 45, 100% công nhân của Tổng công ty Thành An cũng đã có mặt trên công trường sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
"Do đa phần anh em công nhân nhà xa nên dịp Tết vừa qua, đơn vị có cho công nhân về quê đón Tết sum vầy cùng gia đình.
Quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết, tinh thần làm việc của anh em công nhân rất thoải mái và đang phối hợp nhịp nhàng cùng nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công", anh Đinh Văn Duy, Chỉ huy trưởng công trình nói.
Vừa từ Hà Nội trở về công trường, công nhân Dương Văn Ban (54 tuổi) cho biết: "Sau kỳ nghỉ Tết, tinh thần anh em đều sung mãn, sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án".
Đáng nói, theo thông tin của Báo Giao thông, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2023 cần 1,7 triệu m3 cát.
Thế nhưng, đến thời điểm này gần cuối tháng 2/2024, số lượng cát cần cho công trình vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng để đắp nền đường.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc điều hành dự án, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành thông tin, gói thầu do công ty phụ trách dài hơn 14km. Với 11 mũi thi công đang hoạt động liên tục trên công trường, đến nay, tiến độ thực hiện đạt 6,43%. Trong đó, tiến độ xây dựng cầu đạt 9,36%.
"Chúng tôi cần khoảng 1,5 triệu m3 cát. Nhưng hiện tại, mỗi ngày công ty vẫn không được nhận cát. Mọi công việc được công ty tổ chức cho công nhân thi công 8 cây cầu có trong dự án", anh Tuấn thông tin thêm.
Đồng quan điểm, anh Đinh Văn Duy, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty Thành An cho biết: "Công trình đang chờ cát nên công ty cho công nhân thi công các cây cầu và dự kiến cầu sẽ hoàn thành trong năm 2024."
Cũng theo anh Duy, toàn gói thầu do Thành An đảm trách cần 320.000m3 cát. Nhưng đến nay đơn vị chỉ nhận được 22.087m3 cát và dùng để thi công đường công vụ được 1,7km.
"Nếu tính cộng dồn từ năm 2023 đến nay, nhà thầu cần 2.000m3 cát/ngày. Trong khi đó, hiện tại mỗi ngày, Tổng công ty Thành An chỉ nhận được hơn 50m3 cát do Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng cung cấp.
Theo tính toán, nếu có cát về công trường vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 thì gói thầu do Tổng công ty Thành An thi công vẫn đảm bảo được tiến độ đề ra. Thời gian gia tải nền đường chính mất từ 12-15 tháng mới đảm bảo yếu tố kỹ thuật", anh Duy cho biết thêm.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km. Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận