Sau gần 9 năm liên tục kêu oan, cuối tháng 3/2020, bà Phạm Thị Mai (SN 1971) và ông Võ Thanh Tùng (SN 1980), cùng ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã chính thức được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra vì không chứng minh được họ thực hiện hành vi phạm tội.
Bỗng dưng lâm vòng lao lý
Ngày đầu tháng 4, gặp PV Báo Giao thông sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra, bà Mai không dấu được sự phấn khởi: “Giờ tôi đã có thể ngẩng cao đầu mà sống rồi”.
Bà Mai kể lại, tháng 9/2009, ông Khưu Chí Thức đại diện Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Vạn Hưng (địa chỉ: TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) và bà ký hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu với tổng số tiền hơn 4,9 tỷ đồng. Sau nhiều lần thanh toán, ông Thức còn nợ của bà hơn 1,6 tỷ đồng.
Ngày 20/1/2011, ông Thức cùng vợ là Huỳnh Dù Táng (Giám đốc DNTN Vạn Hưng) thỏa thuận sẽ bán lại DNTN Vạn Hưng cho bà Mai với giá 5,5 tỷ đồng. Ngày hôm sau, ông Thức lại nói sẽ có người mua nhà máy với giá cao hơn. Vì chỉ muốn lấy lại số tiền 1,6 tỷ đồng ông Thức còn nợ nên bà Mai đồng ý cho ông Thức 20 ngày để tìm đối tác khác để bán. Đôi bên cam kết, trong 20 ngày này, không ai đến mua thì ông Thức phải làm thủ tục sang nhượng, bàn giao nhà máy và thiết bị cho bà Mai, phía bà Mai sẽ trả phần tiền còn lại cho ngân hàng để rút giấy tờ, hoàn tất thủ tục sang tên.
Tuy nhiên, sau đó vợ chồng Thức không thực hiện theo đúng cam kết. Bởi vậy, từ ngày 22 - 28/2/2011, bà Mai thuê người tháo gỡ một tủ lắc đông lạnh, tủ gió đông lạnh, tủ máy thổi đông lạnh tổng giá trị hơn 1,4 tỷ đồng của DNTN Vạn Hưng. Đến ngày 13/4/2011, bà ngỡ ngàng khi bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về tội Cưỡng đoạt tài sản và Cố ý làm hư hỏng tài sản.
“Trước khi tôi đến lấy tài sản, nhiều lần ông Thức đã chủ động làm tờ cam kết giao thiết bị máy móc cho tôi để trừ nợ nếu không trả được. Cũng chính ông Thức là người gọi cho tôi kêu tới tháo gỡ tài sản như cam kết. Khi tôi thuê người xuống nhà máy tháo gỡ đồ, có bảo vệ nhà máy và cha vợ của ông Thức ở đó chứng kiến, cũng không ai ngăn cản tôi. Sao tôi lại mắc tội?”, bà Mai bức xúc.
Còn đối với ông Võ Thanh Tùng, tháng 10/2019, cũng ký hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu trị giá hơn 930 triệu đồng với ông Thức là đại diện DNTN Vạn Hưng. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Thức chỉ thanh toán khoảng 500 triệu đồng, còn nợ lại của ông Tùng gần 400 triệu đồng.
Sau nhiều lần gọi điện thoại cho ông Thức đòi tiền không được, biết bà Mai xuống lấy tài sản được nên ông Tùng cũng cho người đến lấy một số tài sản của DNTN Vạn Hưng để trừ nợ. Sau đó, ông Tùng cũng bị Cơ quan CSĐT tỉnh Sóc Trăng khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.
9 năm mang thân phận bị can
Sau khị khởi tố, ngày 27/11/2012 và ngày 9/12/2012, ông Tùng và bà Mai lần lượt bị bắt tạm giam. Đến ngày 22/3/2013, cả hai được cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất vào ngày 22/3/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng kết án bà Mai 7 năm 6 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản và Cố ý làm hư hỏng tài sản; ông Tùng bị phạt 1 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Cả bà Mai, ông Tùng đều kháng cáo.
Tại phiên toà phúc thẩm vào ngày 26/9/2013, TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau khi điều tra lại, bà Mai, ông Tùng bị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản, bà Mai được đình chỉ điều tra tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tại phiên xét xử sơ thẩm lần hai ngày 18/11/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt bà Mai 7 năm tù, ông Tùng 1 năm tù cùng về tội Cưỡng đoạt tài sản. Bà Mai tiếp tục kêu oan. Ngày 18/8/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm lần hai và lại tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định.
Từ đó, bà Mai và ông Tùng liên tục gửi đơn khắp nơi để kêu oan. Đến ngày 24/3/2020, Công an tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra, hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Mai và ông Tùng. CQĐT xác định bà Mai không phạm tội. Còn hành vi phạm tội của ông Tùng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, vụ việc đã xảy ra lâu, nhân chứng và những người có liên quan không còn nhớ rõ...
“Sau ròng rã 9 năm, tôi và Tùng mới được minh oan. Tôi và Tùng không hề quen biết nhau, nhưng từ những phiên tòa, rồi trở nên thân thuộc”, bà Mai ngậm ngùi chia sẻ.
Gia đình ly tán, nợ nần chồng chất
Từ một cơ sở kinh doanh đang làm ăn phát đạt, sau ngày bà Mai khởi tố, bắt giam, rồi thay đổi biện pháp từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú, việc làm ăn của gia đình bà Mai tụt dốc không phanh.
“Để có vốn làm ăn, tôi phải vay nợ ngân hàng. Sau khi tôi bị khởi tố, các mối làm ăn tránh mặt. Tiền bạc khánh kiệt, lãi suất ngân hàng chất chồng, gia đình tôi phải cầm cố căn nhà đang ở để lấy tiền xoay xở”, bà Mai kể.
Thời điểm đó, bà Mai và chồng đang ly thân. Khi bà Mai bị khởi tố, 2 vợ chồng bà ly dị. Nhà mất, gia đình tan vỡ, nhưng bà Mai tâm sự, điều làm đau đớn nhất là ngày mẹ mất, vừa chôn cất mẹ xong, bà chưa kịp tháo khăn tang, chưa kịp thắp cho mẹ nén nhang thì đã bị bắt đưa đi.
“Con trai lớn của tôi lúc đó đang học năm nhất đại học, con gái đang học lớp 8 đều nghỉ học do không chịu đựng được lời xì xầm bàn tán của mọi người xung quanh. Mọi ước mơ của các cháu đều phải bỏ lại vì có người mẹ mang thân phận bị can”, bà Mai nghẹn ngào.
Theo lời anh Trần H.N (SN 1990, con trai bà Mai), những cú sốc lớn đột ngột đổ ập đến với gia đình, khiến chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, anh bỗng chốc trở thành trụ cột cho gia đình, vừa lo cho em gái, vừa phải chạy khắp nơi lo hồ sơ cho mẹ. Mong ước được vào ngành công an cũng tiêu tan, anh phải làm đủ các nghề, miễn sao có tiền lo cho mẹ và em. “Nhưng cho dù cực khổ đến mấy, anh em chúng tôi luôn tin rằng, mẹ hoàn toàn trong sạch”, anh N. nói.
Bi đát không kém bà Mai, ông Tùng cho biết, ngày ông được tại ngoại là đúng 1 năm sau ngày ông bị bắt, bằng bản án tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên. “Tôi cũng thiếu nợ người ta nên mới đòi tiền của Thức. Tôi bị khởi tố, bị bắt giam, rồi được tại ngoại, nhưng vẫn là bị can, vẫn cấm đi khỏi nơi cư trú. Cũng như chị Mai, không ai dám làm ăn với tôi. Tôi phải làm thuê cuốc mướn đủ nghề để kiếm sống và đóng lãi ngân hàng. Thương nhất vẫn là vợ con, phải sống cảnh bị dị nghị, xa lánh”, ông Tùng xót xa.
Giờ đây, ông Tùng và bà Mai đều mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng của Sóc Trăng nhanh chóng hoàn tất thủ tục, kết thúc vụ việc cũng như tiến hành công khai xin lỗi và tiến tới giải quyết bồi thường cho cho 9 năm mang thân phận bị can của họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận