Thế giới

Hai đồng minh Đức, Pháp sẽ đối đầu chính sách với ông Trump?

16/01/2018, 10:43

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang cân nhắc khả năng sẽ tham gia hợp lực cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron...

34

Bà Merkel và ông Macron đều theo chủ trương ôn hòa của châu Âu đối đầu với chủ nghĩa dân túy dân tộc của ông Trump

Theo hãng tin Anh Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang cân nhắc khả năng sẽ tham gia hợp lực cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc “đụng độ quan điểm” tiềm tàng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra từ 23 - 26/1 ở Davos, Thụy Sĩ.

Chờ đợi sự tham gia của bà Merkel

Bà Angela Merkel, người đang bận bịu với những cuộc đàm phán để lập một chính phủ liên minh kể từ cuộc bầu cử Đức hồi tháng 9/2017, được dự kiến sẽ không tới WEF ở Thụy Sĩ trong năm thứ ba liên tiếp.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh sơ bộ với các đảng viên Dân chủ Xã hội Đức (SPD) thứ sáu tuần qua, các quan chức Đức cho biết, bà Merkel có thể sẽ tham gia sự kiện kinh tế toàn cầu này.

Sự xuất hiện này sẽ báo hiệu sự trở lại của bà Merkel trên các diễn đàn quan trọng của thế giới sau nhiều tháng chìm trong bế tắc chính trị và tránh né sự chú ý của giới truyền thông.

Điều đó cũng sẽ cho phép bà Merkel và Tổng thống Pháp Macron cùng nhau khẳng định lại cam kết cải cách Liên minh châu Âu (EU) sau sự ra đi của Anh và bảo vệ nền dân chủ tự do theo xu hướng đối đầu với các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America First) của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các quan chức Đức nói rằng, quyết định cuối cùng chưa được đưa ra. Bà Merkel có thể chờ đợi kết quả phê duyệt của Quốc hội vào ngày 21/1 cho quyết định chính thức tham gia đàm phán Chính phủ liên minh của SPD với Đảng Bảo thủ của bà Merkel - trước khi cam kết tham gia WEF.

Xung khắc với tư tưởng ông Trump

Kể từ khi lên nhậm chức tháng 1/2017, ông Trump đã kéo Hoa Kỳ ra khỏi Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại tự do quan trọng với các nước châu Á, tuyên bố rút khỏi Hiệp định về khí hậu ở Paris và đe dọa sẽ phá hủy một thỏa thuận hạt nhân Iran giữa các cường quốc phương Tây với Iran.

Ông Trump cũng dấy lên mối lo ngại xung đột với Triều Tiên bởi cuộc khẩu chiến ngày càng căng thẳng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Và theo các thành viên của Quốc hội đã tham dự một cuộc họp tại Nhà Trắng tzuần trước, ông Trump đã gây ra sự tổn thương to lớn khi phân biệt Haiti và các quốc gia châu Phi.

WEF sẽ diễn ra từ ngày 23 - 26/1 với chủ đề “Tạo dựng một tương lai chia sẻ trong một thế giới bị đứt gãy”. WEF năm nay dự kiến sẽ thu hút khoảng 60 nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ và những tư tưởng của ông trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên” vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Pháp và Đức.

Theo Reuters, thứ bảy tuần qua (13/1), khoảng 500 người biểu tình đã diễu hành tại Thủ đô Bern của Thụy Sĩ để phản đối việc ông Trump tham dự WEF.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ tới WEF chiều 25/1 và có bài phát biểu tại diễn đàn này 1 ngày sau đó. Đây sẽ là lần đầu Tổng thống Mỹ tham dự một sự kiện như thế này sau gần 20 năm kể từ WEF năm 2000 với sự tham gia của Tổng thống Bill Clinton.

Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), một người tham gia WEF thường xuyên nhận định rằng: “Rất ít khi các quốc gia hợp lại nhiều như việc họ ác cảm với ông Trump và những gì ông ấy đang làm”.

Có 40% người Hoa Kỳ ủng hộ những gì ông Trump đang làm, còn trong những người tham gia WEF ở Davos chỉ có gần 5% ủng hộ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã buộc tội bà Merkel là kẻ “tàn phá Đức” bằng cách cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn vào Đức năm 2015, trong đó có nhiều người chạy trốn khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông.

Cộng thêm chiến thắng của ông Macron - người theo chủ trương ôn hòa của châu Âu trong cương vị Tổng thống Pháp, bà Merkel được cho là có thêm một đồng minh mạnh trong cuộc đối đầu với ông Trump. Bởi vì, giống như bà Merkel, ông Macron ủng hộ tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu.

Nhiều nhà lãnh đạo tại WEF chờ đợi rằng, bài phát biểu dài 45 phút của Tổng thống Pháp Macron vào tối ngày 24/1 sẽ đưa ra một tư tưởng lớn, có thể “bao bọc thế giới tự do dưới cánh tay châu Âu”.

Và nếu WEF có sự tham gia của bà Merkel, người đã 7 lần xuất hiện tại WEF từ khi trở thành Thủ tướng năm 2005, thì thông điệp của ông Macron sẽ cộng hưởng lớn hơn rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.