Khách hàng thờ ơ với đất đấu giá?
Từ ngày 6/9-22/9, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương tổ chức bán hồ sơ đấu giá cho 64 lô đất thuộc điểm quy hoạch Khu dân cư phía Nam đường Việt Hòa (phường Việt Hòa, TP Hải Dương).
Đây là đợt đấu giá thứ 2, lần 3 với mức giá khởi điểm từ 29,7-31 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong suốt 16 ngày mở bán, không có khách hàng tới đăng ký, mua hồ sơ.
Trước đó, từ ngày 1/8-8/9, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND TP Hải Dương mở bán hồ sơ đấu giá đất ở đối với 88 lô đất thuộc điểm quy hoạch Khu dân cư phía Đông đường Tân Dân (phường Việt Hòa).
88 lô đất có với mức giá khởi điểm 24 triệu đồng/m2. Suốt 8 ngày mở bán, không một khách hàng nào đến đăng ký, mua hồ sơ đấu giá.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại điểm dân cư số 1 thôn Lý Văn - Phong Trạch xã Phú Điền, huyện Nam Sách (giai đoạn 2). Tại đây, khi Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương thông báo đấu giá lần 2 với mức giá được điều chỉnh từ 11 triệu đồng/m2 xuống còn 9,5 triệu đồng/m2 cho 34 lô đất, thì vẫn không có khách.
Ngoài ra, tại xã Văn Tố và Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ cũng trong trường hợp tương tự khi trải qua 2 đợt thông báo đấu giá cũng đều vắng bóng khách hàng.
Trước đó, tháng 3/2023, UBND huyện Gia Lộc phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương tổ chức đấu giá quyền sử dụng 1.530,5m2 đất ở được chia thành 17 lô đất tại điểm dân cư thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc (đợt 10).
17 lô đất này có các mức giá khởi điểm được phê duyệt từ 40-46 triệu đồng/m2. Kết quả phiên đấu giá chỉ đấu được 7/17 lô, với tỷ lệ đấu giá đạt 38,97%. Các lô đất được đấu giá trúng có mức độ chênh lệch từ 800 nghìn đến gần 16 triệu đồng/m2.
Theo ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với hàng trăm lô đất có vị trí đẹp.
Tuy nhiên, nhiều cuộc đấu giá vẫn không có người mua hồ sơ, tham gia đấu giá. Do vậy, chủ tài sản và các đơn vị được chọn đủ tiêu chuẩn tổ chức đấu giá đều phải thông báo rất nhiều đợt, có khu vực phải tổ chức đấu giá đến 3 lần mà vẫn ế.
Qua khảo sát của PV, nhiều người dân tại Hải Dương cho biết, họ ngỡ ngàng khi chứng kiến các phiên đấu giá đất năm 2023 lại vắng như vậy. Dù các thông tin đấu giá đất được các địa phương thông báo rộng rãi nhưng người dân và giới đầu tư rất thờ ơ.
Thậm chí, có những lô đất rất đẹp nhưng khi thông báo đấu giá chỉ nhận được lèo tèo vài hồ sơ, đến khi đấu giá, nhiều lô đất còn không có người đấu lại phải dừng lại.
Vẫn đắn đo về hạ tầng, giá đất
Anh Trần Mạnh Tưởng (trú tại phường Việt Hòa, TP Hải Dương) cho biết, cũng rất quan tâm tới 2 khu dân cư đô thị đang được thông báo đấu giá trên địa bàn phường vì được quy hoạch khá đẹp.
"Nhưng qua tìm hiểu thì tôi thấy giá đất đưa ra đấu giá quá cao, giá trị gần 3 tỷ đồng/lô. Tôi chỉ mong sao chủ đầu tư hạ giá thấp xuống ở mức phù hợp để người dân như chúng tôi có cơ hội tham gia đấu giá, có khả năng sở hữu lô đất tại đây", anh Tưởng nói.
Ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường Việt Hòa, TP Hải Dương bày tỏ sự tiếc nuối khi các khu đất trên địa bàn phường được quy hoạch rộng rãi, khang trang nhưng có khu đã 3 lần tổ chức đấu giá đều không thành công.
"Phường Việt Hòa thuộc ngoại ô thành phố, trong khi giá khởi điểm cho khu đất được đưa ra đấu giá cao ngang ngửa với các phường nội thành như Thanh Bình, Tân Bình, giao thông lại không thuận lợi khi tuyến đường chính vào phường hạ tầng chưa đảm bảo sẽ kém thu hút đầu tư", ông Bình nhận định.
Tại điểm dân cư số 1 thôn Lý Văn - Phong Trạch xã Phú Điền, huyện Nam Sách (giai đoạn 2) đối với 34 lô đất, mỗi lô đất có diện tích 125m2, theo ghi nhận của PV khu đất đấu giá này có hạ tầng sơ sài. Mặt bằng các lô đất được san lấp thấp hơn rất nhiều so với mặt đường, hệ thống đường điện thì làm tạm bợ.
Tại đây, diện tích mỗi lô đất cũng tương đối lớn khiến người dân địa phương khi quan tâm dự án đều đắn đo, nếu họ có trúng đấu giá mà muốn xây nhà lại mất một khoản chi phí cao cho việc san lấp mặt bằng.
Trao đổi với PV, một cán bộ địa chính xã Phú Điền, huyện Nam Sách cho biết, sau khi mức giá khởi điểm được điều chỉnh thấp xuống hơn rất nhiều nhưng người dân địa phương cũng chỉ ra hỏi han rồi lại đi về, không hề đả động đến việc mua hồ sơ tham gia đấu giá.
"Có thể phải hoàn thiện thêm hạ tầng, điều chỉnh giá bán thì mới thu hút tốt hơn khách hàng tham gia đấu giá", vị cán bộ này đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận