Đổ đất cát che phủ cây cối, nước sông
Thời gian vừa qua, Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân về việc dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 395 và đường dẫn cầu Cậy đến đường tỉnh 394 thuộc huyện Bình Giang có cách thi công san lấp mặt bằng khác thường khiến người dân quan ngại về chất lượng công trình.
Còn anh P.T.T (sống gần đền bà Chúa Me, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang) thắc mắc: "Tôi không hề thấy đơn vị thi công tiến hành thu dọn cây cối, nạo vét lớp bùn đất dưới lòng sông mà đã cho đổ đất, cát chèn lên. Làm như vậy thì chất lượng công trình làm sao đảm bảo?".
Từ những phản ánh của người dân, PV Báo Giao thông đã có nhiều ngày khảo sát thực tế tại dự án này và ghi nhận, tại điểm thi công thuộc địa phận xã Vĩnh Hồng, đơn vị thi công không hề bơm hút nước dưới lòng sông, thu dọn cây cối chặt hạ đổ ngổn ngang dưới sông mà đã tiến hành đổ đất xuống chèn lên để tạo mặt bằng.
Tại một số điểm thi công qua địa phận xã này cũng không được rào chắn cẩn thận, không có biển cảnh báo an toàn.
Ghi nhận tại công trường thi công dự án đoạn qua địa phận xã Tân Việt được đơn vị thi công rào chắn, cảnh báo cẩn thận.
Tuy nhiên, tại khu cánh đồng thôn Lý Đỏ, giáp đường tỉnh 395 hiện đang được trưng dụng là nơi đổ vật liệu thải trong quá trình thi công, các xe tải có dấu hiệu cơi nới vô tư ra vào chở đất, đá vận chuyển đi nhưng không hề che chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một người dân sống tại xã Vĩnh Hưng cho biết: "Gần hai tháng nay, nườm nượp những đoàn xe tải chở bùn thải, vật liệu ra vào công trường có dấu hiệu quá tải, che chắn sơ sài khiến bùn đất rơi vãi ra đường, trơn trượt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và người dân sống quanh khu vực".
Duyệt một nơi, đổ thải một nẻo
Từ điểm thi công dự án thuộc địa phận xã Vĩnh Hưng, PV Báo Giao thông đã liên tục bám theo các xe "hổ vồ" gắn logo BOM mang các biển kiểm soát: 34H-021.72; 34H-021.60; 34H-022.13; 34H-022.44; 34H-022.96… chở bùn thải băng qua khu dân cư.
Tới cầu vượt Quán Gỏi ra quốc lộ 5 theo hướng Hải Dương - Hưng Yên, các xe này bất ngờ quay đầu tại khu vực đèn tín hiệu giao thông Làng Vang - Thôn Trên, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) rồi tiếp tục di chuyển tới một bãi đất rộng hàng chục nghìn mét vuông thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Ngọc Lâm và Bạch Sam, huyện Mỹ Hào và đổ xuống.
Quá trình trung chuyển bùn đất diễn ra liên tục trên cung đường nói trên.
Theo tìm hiểu của PV, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 395 (đoạn từ Km 16+750 - Km 23+920) và đường dẫn cầu Cậy đến đường tỉnh 394 được coi là công trình trọng điểm của huyện Bình Giang, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang làm chủ đầu tư.
Theo phương án thiết kế, dự án có quy mô, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 60km/h. Đường dẫn cầu Cậy có điểm cuối giao đường tỉnh 394 tại Km 10+115 bao gồm ba phân đoạn đầu tư; Đường cấp II đồng bằng với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án đi qua các xã: Vĩnh Hưng, Vĩnh Hồng, Tân Việt, Hùng Thắng và Long Xuyên.
Tháng 10/2023, liên danh Công ty TNHH Ánh Dương - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu với mức giá hơn 538 tỷ đồng (giá dự toán gần 539 tỷ đồng); Thời gian thực hiện hợp đồng 400 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang cho biết, theo phương án thiết kế thi công, mặt đường tỉnh 395 sẽ được mở rộng 25m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5m, bề mặt là 15m. Do đó, quá trình thi công phải mở rộng ra sông rất nhiều.
"Nhằm tránh lãng phí nguồn dư thừa, trong phương án thiết kế, đơn vị thi công được phép tận dụng tối đa 70% đất thải để đắp bờ mái, đắp sông để tạo mặt bằng. Khoảng 30% số đất thải của dự án sẽ được đổ tại 6 điểm theo quy hoạch ở các xã trên địa bàn hay bất kì chỗ nào, nếu địa phương đề xuất có vị trí cần san lấp”, ông Quân giải thích.
Khi PV đặt câu hỏi, "để có mặt bằng, đơn vị thi công đã tận dụng đất thải để đổ thẳng xuống dòng kênh đầy nước và cây cối liệu có đúng phương án thi công được duyệt?", ông Quân cho biết, hiện đơn vị thi công đang tiến hành san lấp làm cốt nền, khi đào đắp kè toàn bộ chân mái, có móng xong tạo ra 1,5m thì sẽ múc đáy bùn.
"Mai kia tiếp tục tận dụng đất để đắp bờ taluy ở tuyến đường, nếu giờ múc đi thì không kè được. Còn việc bơm nước từ đoạn nọ sang đoạn kia là do nhà thầu để kè từng đoạn một làm mặt bằng, làm sao để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của nhân dân. Biện pháp thi công cho phép như vậy", ông Quân khẳng định.
Về việc đơn vị thi công vận chuyển đất bùn thải sang tỉnh Hưng Yên để đổ, ông Quân cho hay, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc và đã tiến hành lập biên bản, thời gian tới sẽ tổ chức cuộc họp để xác định việc đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận