Lễ hội văn hóa xứ Đông với sự tham gia của hơn 2.000 diễn viên. (Ảnh Báo Hải Dương) |
Tối 30/12, tại quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương), tỉnh Hải Dương tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch xứ Đông - Chào đón năm mới 2019 với điểm nhấn đặc biệt là chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc và Carnaval đường phố “Hải Dương mùa xuân gọi”.
Dự chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước, cùng hơn 2.000 diễn viên từ đoàn nghệ thuật tỉnh Hải Dương, đoàn nghệ thuật của tỉnh Suwon, Hàn Quốc và tỉnh Viêng Chăn - Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức carnaval đường phố |
Chương trình carnaval diễu hành nghệ thuật đặc biệt gồm 3 chương - cảnh diễn: Hải Dương vùng đất cổ 3 màu địa lý; Hải Dương miền đất địa linh nhân kiệt gắn với du lịch tâm linh; Hải Dương tự hào và cất cánh bay cao. Đoàn diễu hành gồm 10 chiếc xe mô hình chuyên dụng, được trang trí mang theo những mô hình, biểu tượng về mảnh đất, con người xứ Đông, theo sau là 20 khối diễu hành, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật độc đáo giới thiệu những nét đẹp văn hóa đất và người Hải Dương.
Không gian diễu hành và biểu diễn có chiều dài gần 2km qua các tuyến đường: Thống Nhất, Bạch Đằng, cầu Hồng Quang, Chương Dương. Ngay sau chương trình carnaval đường phố là màn bắn pháo bông rực rỡ chào đón năm mới.
Lễ hội Văn hóa Du lịch Xứ Đông - Chào đón năm mới 2019 là dịp để nhân dân trong tỉnh và bạn bè cả nước thêm hiểu biết và thêm yêu mảnh đất và con người Hải Dương năng động và phát triển, giàu lòng mến khách, giàu truyền thống cách mạng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Bất chấp thời tiết giá rét, rất đông người tham gia vào lễ hội |
Trong bài diễn văn khai mạc Lễ hội, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Xứ Đông xưa - Hải Dương nay là vùng đất nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, là “Trấn thứ nhất trong tứ trấn” nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa.
Hải Dương hiện có trên 2.000 di tích, trong đó có 4 di tích và quần thể di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia và 220 di tích cấp tỉnh, nổi bật như: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền, Cụm di tích Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia...
Hải Dương cũng được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt, nơi nuôi dưỡng và tỏa sáng nhiều hiền tài lỗi lạc của đất nước như: Thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Trãi; “Vạn thế sư biểu” - Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên - Mạc Đĩnh Chi, Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh; nữ tiến sĩ đầu tiên của đất Việt - Nguyễn Thị Duệ...
Mảnh đất này còn lưu truyền được rất nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể, với trên 700 Lễ hội truyền thống, 7 di sản văn hóa phi vật thể, 8 bảo vật quốc gia và nhiều nghề truyền thống được nhân dân lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay, như: Nghề chạm khắc đá Kính Chủ (huyện Kinh Môn), chạm khắc gỗ Ðông Giao (huyện Cẩm Giàng), kim hoàn Châu Khê, gốm Cậy (huyện Bình Giang), gốm Chu Ðậu (huyện Nam Sách), giầy da Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc), thêu Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ), dệt chiếu Tiên Kiều (huyện Thanh Hà)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận