Kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm
Trả lời PV Báo Giao thông trước thực trạng hàng loạt các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đại diện lãnh đạo TP Chí Linh cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn, chủ tịch UBND các xã, phường phối hợp với Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình trái phép trên địa bàn, tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai.
Quan điểm là cần làm rõ từng vi phạm qua các thời kỳ, mức độ vi phạm, trách nhiệm của những đơn vị quản lý liên quan để xảy ra vi phạm để kiên quyết xử lý dứt điểm.
Được biết, theo kết quả kiểm tra bước đầu, có 4 hộ dân ở phường Cộng Hòa và 1 hộ dân ở phường Hoàng Tiến xây dựng công trình trái phép trên đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất.
Các vi phạm này được UBND các phường liên quan phối hợp cùng Ban Quản lý rừng, Đội Quản lý trật tự đô thị và Hạt kiểm lâm thành phố lập biên bản vi phạm, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ.
Chủ yếu là vi phạm của hộ gia đình
Từ nhiều năm qua, trên địa bàn TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) xuất hiện tình trạng nhiều hộ gia đình tự ý san gạt, xây dựng hàng loạt các công trình trái phép quy mô lớn trên đất rừng sản xuất và rừng đặc dụng.
Tiếp nhận phản ánh của người dân, trung tuần tháng 5, PV Báo Giao thông đã có mặt tại khu vực đường N3, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh và ghi nhận 3 dãy nhà xưởng kinh doanh thép và vật liệu xây dựng bám dọc tuyến quốc lộ 37 và 2 căn nhà kiểu dáng biệt thự nằm phía sau khu nhà xưởng.
Một người dân ở phường Cộng Hòa cho biết, các công trình này đều xây dựng trên diện tích đất rừng sản xuất được giao khoán cho các hộ trồng cây.
Xác minh của PV cho thấy, khu đất này được Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) giao khoán cho các ông Phạm Quốc Đôn, ông Đỗ Văn Thi và ông Nguyễn Đại Thắng với mục đích trồng cây ăn quả.
Cụ thể, khu đất rộng 1.174m2, ông Phạm Quốc Đôn nhận khoán từ năm 2020, phía Bắc giáp hành lang quốc lộ 17, các phía còn lại giáp đất trồng cây ăn quả của các hộ bà Nga, bà Ngà và ông Sơn.
Theo Hợp đồng giao khoán số 83/HĐ-CAQ ngày 7/5/2020 thì trên diện tích 1.174m2 giao khoán cho ông Đôn có 16 cây vải trồng từ năm 1996, hiện trạng cây sinh trưởng và phát triển bình thường.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, ông Đôn đã cho xây 1 căn nhà kiểu dáng biệt thự ở phía cuối khu đất. Phần đất phía ngoài, chủ khu đất cho dựng nhà xưởng kinh doanh vật liệu xây dựng. Khu nhà ở có sân vườn, hồ nước, tiểu cảnh, gara ô tô...
Cũng trên khu đất bám mặt quốc lộ 17, còn nhiều công trình sai phép khác, điển hình là khu đất của ông Đỗ Văn Thi.
Ông Thi nhận giao khoán trồng cây ăn quả từ năm 2019 và đã biến khu đất trên thành một nhà xưởng bám mặt đường quốc lộ 17, phía sau xây một biệt thự hai tầng, mái Thái với tổng diện tích xây dựng trái phép là 146m2.
Kế các công trình của hộ ông Đôn và ông Thi là dãy nhà xưởng phục vụ mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Nguyễn Đại Thắng.
Ông Thắng ký hợp đồng giao khoán 2.000m2 đất vào mục đích sản xuất trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả từ năm 2015, sau đó đã "hô biến" khu đất thành xưởng sản xuất.
Theo tìm hiểu và ghi nhận của PV, tại khu vực Đoàn 10, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, trên lô 9D1, khoảnh 5 cũng xuất hiện tổ hợp công trình xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng. Khu đất này vốn được Ban Quản lý rừng Hải Dương giao khoán cho hộ ông Phan Thanh Hòa quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng có diện tích 1.477m2 từ năm 2017.
Tuy nhiên, đến năm 2022, ông Hòa đã tự ý xây dựng tổ hợp các công trình kiên cố rải rác trên đất khu đất rừng đặc dụng gồm: Nhà ở, khu nghỉ dưỡng, bếp ăn, sân, lán để xe…
Còn tại lô 2, khoảnh 4/D1 thuộc khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh cũng đang tồn tại công trình xây dựng trái phép trên đất giao khoán trồng cây ăn quả của hộ ông Dương Hoài Bắc với diện tích 88m2.
Trách nhiệm của Ban Quản lý rừng Hải Dương
Theo lãnh đạo TP Chí Linh, để xảy ra tình trạng hàng loạt nhà ở, nhà xưởng xây dựng trên đất rừng là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan, đơn vị.
Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về Ban Quản lý rừng Hải Dương - đơn vị được giao quản lý đất rừng, đã giao khoán quản lý đất rừng cho các cá nhân nhưng lại để các cá nhân này xây dựng hàng loạt công trình trái phép trên đất.
"Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng Hải Dương vận động các hộ dân này tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu quá trình vận động không hiệu quả, sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh Hải Dương có biện pháp kiên quyết xử lý", vị này cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận