Hàng không mất ít nhất 3 năm để có thể quay lại mốc như 2019
Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam và Viện Kinh tế xã hội và Công nghệ diễn ra sáng nay (26/11), Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Phạm Văn Hảo cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.
Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại.
Kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Đánh giá hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo chữ V, Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo cho biết cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.
“Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019,” ông Hảo khẳng định.
Liên tục dùng từ “bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, đại diện các hãng hàng không đều thừa nhận “lỗ nặng nề. Tiết lộ con số 2.400 tỷ đồng trong chín tháng qua và số nợ là 10.000 tỷ đồng dù đã bán hay chuyển nhượng tài sản đã tích lũy trong nhiều năm, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet kiến nghị cho các hãng bay vay 3-5 năm bằng nguồn tái cấp vốn Nhà nước từ ngân hàng Nhà nước tới ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp hàng không vay. Khi phục hồi, các hãng sẽ trả lãi vay ưu đãi và vốn vay để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
“Hãng bay các nước đều được Chính phủ hỗ trợ để có tiềm lực cân bằng cạnh tranh giữa các hãng bay trong nước và quốc tế,” bà Phương nói.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho hay, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng, Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng14.000 - 15.000 tỷ đồng.
“Thị trường nội địa tuy có phục hồi nhưng sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh. Thị trường quốc tế đóng băng tập trung chủ yếu là các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Hiện, dịch Covid-19 đã lắng dịu nhưng với đà suy thoái kinh tế và tâm lý lo ngại đó vẫn là rào cản kéo dài phục hồi ngành hàng không nói chung,” ông Hòa chỉ ra thực tế chung.
Trật tự hàng không sẽ có sự thay đổi
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa kinh tế-chính trị.
Sự phát triển của ngành hàng không tại mỗi quốc gia luôn song hành và thúc đẩy quốc gia đó phát triển và hội nhập, giúp kinh tế - văn hóa và chính trị quốc gia đó phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019 ngành hàng không đã ghi nhận một năm với các con số kỷ lục như vận chuyển hơn 116,3 triệu hành khách trong đó các hãng hàng không Việt Nam đạt gần 55 triệu, các cảng phục vụ 740 nghìn lượt cất hạ cánh; tỷ trọng luân chuyển hành khách qua đường hàng không đã chiếm tới 31,44% tổng luân chuyển hành khách trong 5 loại phương thức vận tải của Việt Nam. Năng lực điều hành bay cũng không ngừng được nâng cao, năm 2019 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều hành 900 nghìn chuyến bay...
Bước vào năm 2020, ngoài các khó khăn cũ như “cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang, bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu”..., đại dịch bệnh Covid- 19 từ Vũ Hán đã bùng phát khắp thế giới, ảnh hưởng lớn tới đời sống, kinh tế, làm tê liệt các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành hàng không và du lịch.
Tại Việt Nam với chủ trương phòng chống dịch của Chính phủ của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid 19 là “phải hy sinh lợi ích tinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân” nên các DN vận tải hàng trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là và vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương “giãn cách xã hội”, “khoanh vùng dập dịch”.
Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức kinh tế- xã hội trong ngành hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng để vượt qua những khó khăn, những tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Cho biết thời gian qua Chính phủ cũng đã rất quan tâm tới phát triển của ngành hàng không. Ngoài việc bố trí nguồn vốn nhà nước hoặc tạo cơ chế để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm cả hạ tầng giao thông kết nối và phát triển đội tàu bay cho ngành, Chính phủ đã rất quan tâm xây dựng hành lang pháp lý để tạo môi trường hoạt động ngành hàng không ngày càng thuận lợi. Đã bổ sung hoặc sửa đổi cơ chế chính sách, thay đổi các mô hình quản lý, đảm bảo cho các tổ chức, các doanh nghiệp trong ngành hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngành, Đảng, Nhà nước và trực tiếp Bộ GTVT đã có những đã có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng cũng khẳng định ngành hàng không Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Trên thị trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều đối thủ có tiềm năng to lớn hơn, có kinh nghiệm hơn, có nhiều lợi thế.
“Chính vì thế, cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động, tích cực thông tin trao đổi các hoạt động của mình, cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thích hợp để đảm bảo cho ngành hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, đóng góp tích cực hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận