Đạo diễn Như Lai |
Đạo diễn Như Lai (Trưởng đoàn kịch I của Nhà hát Tuổi trẻ) bắt tay dàn dựng với nghệ sĩ Vũ Minh, đạo diễn sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM) trong vở hài kịch xã hội hóa Tôi đẹp, tôi có quyền. Trao đổi với Báo Giao thông, anh bảo rằng: “Cách tiếp cận mới với khán giả cũng đặt ra thách thức cho nghệ sĩ và những người làm nghề, để tự thay đổi bản thân và tự nâng cấp mình lên”.
Lần đầu tiên xã hội hóa nghệ thuật
Đề tài phẫu thuật thẩm mỹ thời gian qua rất nóng hổi trên các diễn đàn xoay quanh những người nổi tiếng. Lựa chọn ra mắt vở “Tôi đẹp, tôi có quyền” trong thời điểm này có phải một cách để nhà hát dễ bán vé hơn?
Cũng không hẳn là dễ bán vé hơn, mà cốt lõi là bản diễn mới, nghệ sĩ mới và sự phối kết hợp của toàn bộ ê-kíp trong TP HCM để dàn dựng vở. Tôi nghĩ chưa hẳn khán giả sẽ đến rạp ngay khi biết đến vở diễn này. Nhưng chúng tôi tin việc mình nỗ lực làm mới, nỗ lực nâng cao bản thân mới quan trọng. Khi chúng tôi làm những vở diễn chất lượng hơn, mang hơi thở của cuộc sống tốt hơn thì tôi tin khán giả sẽ đến rạp.
Anh có nghĩ đề tài này khá nhạy cảm, vì chuyện đẹp tự nhiên hay nhân tạo vẫn gây tranh cãi?
Một nửa đầu tiên của vở là những người đẹp luôn nói rằng: “Đẹp là có quyền”. Nhưng một nửa sau, 3 người sót lại của thành phố không kịp làm đẹp nói rằng: “Tôi xấu, tôi có quyền”. Tác phẩm không thiên vị một ai. Ai cũng có quyền trong xã hội này, vấn đề là quyền đó được phân bổ như thế nào, thể hiện ra sao trong từng hoàn cảnh. Ngoại hình xấu đẹp không quyết định bạn tốt hay xấu, đẹp hay không. Cốt lõi là đẹp trong tâm hồn, đẹp trong cảm nhận và đẹp trong sự nhân văn của mỗi cá nhân.
Tôi đẹp, tôi có quyền có bối cảnh diễn ra ở một thành phố, khi có sự xuất hiện của một cỗ máy làm đẹp. Con người chỉ cần bước vào cỗ máy phẫu thuật thẩm mỹ trong 30 phút sẽ đẹp toàn mỹ. Cư dân cả thành phố vô cùng hạnh phúc sau khi có được vóc dáng như mơ ước nhưng na ná nhau. Tuy nhiên, trong cả thành phố đã sót lại ba nhân vật, vì ham công việc đã chậm trễ. Khi họ đến, cỗ máy đã bị hỏng và vô số câu chuyện hài hước giữa những người đẹp và “ba người xấu” đã xảy ra. Với thời lượng gần hai giờ, dự kiến, sau khi ra mắt, vở sẽ diễn hàng tuần tại Nhà hát Tuổi trẻ. |
Một vở hài kịch không đặc trưng vùng miền. Lý do gì khiến anh mời Vũ Minh - một đạo diễn sân khấu kịch IDECAF (TP HCM) thực hiện?
Đây không phải lần đầu chúng tôi hợp tác, anh Minh từng đạo diễn vở nhạc kịch thiếu nhi Cậu bé khổng lồ lọt vào hang kiến của chúng tôi vào năm ngoái, chương trình làm theo ngân sách nhà nước. Năm nay, nghệ sĩ tự bỏ tiền để làm theo phương thức xã hội hóa nghệ thuật. Chúng tôi rất thích phong cách dàn dựng nhiều sáng tạo của anh Minh, cả trong chọn kịch bản, dàn dựng không quá thiên về lối sân khấu cổ điển, không lệ thuộc quá nhiều vào cảnh trí mà hướng tới nâng cao khả năng diễn xuất của diễn viên.
Trong bối cảnh sân khấu phía Bắc từ lâu không có nhiều đổi mới, ít phá cách, chúng tôi muốn tạo ra những luồng gió mới trong tư tưởng, cách diễn đạt một câu chuyện kịch tới khán giả. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn tự làm mới bản thân mình.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm xã hội hóa, mời đạo diễn mang phong cách TP.HCM dàn dựng. Cách tiếp cận mới với khán giả cũng đặt ra thách thức cho nghệ sĩ và những người làm nghề, để tự thay đổi bản thân và tự nâng cấp mình lên.
Vở hài kịch xã hội hóa “Tôi đẹp, tôi có quyền” |
Kinh phí đầu tư chỉ khoảng 600 triệu
Đạo diễn miền Nam có thể sẽ dựng kịch theo gu thưởng thức của khán giả miền Nam, còn gu thưởng thức kịch của khán giả miền Bắc thực tế khác hẳn. Anh nghĩ thế nào về điều này?
Vở diễn trước đến giờ đã diễn hàng trăm đêm, nên chúng tôi không sợ khán giả quen với gu này hay gu kia. Mục tiêu của nhà hát là kéo khán giả đến rạp, giúp họ được thưởng thức nhiều phong vị về nghệ thuật sân khấu. Việc theo mãi một loại hình, phong cách đôi khi gây ra sự nhàm chán. Đó là điều thôi thúc chúng tôi tạo ra những cú hích để thay đổi.
Trước đây, chúng ta thường hướng đến tình yêu, gia đình, hôn nhân, tham nhũng… nhưng vở diễn lần này hướng tới chuyện mọi người nô nức đi làm đẹp, làm đẹp bằng mọi giá. Nhưng đôi khi, họ không biết hệ lụy ghê gớm của việc đó. Mọi người quen chạy theo vẻ đẹp bên ngoài mà quên mất gốc rễ rằng, đẹp hay không là nằm trong nhận thức, tâm hồn và bản chất văn hóa của mỗi người, chứ không phải nâng mũi, làm cằm V-line, cắt mí… Đối tượng chúng tôi nhắm tới là cả khán giả trẻ lẫn trung niên, hướng tới vấn đề mà tôi tin mọi người quan tâm.
Thường thì hài miền Bắc nặng tính truyền tải thông điệp, hài miền Nam thường hướng tới tiếng cười. Với vở diễn này, anh có để đạo diễn tự do sáng tạo hay vẫn có những tiết chế?
Có những tiêu chí nhất định chúng tôi đặt ra với đạo diễn, dựa trên nền tảng của các nghệ sĩ nhà hát, trên những tác phẩm của nhà hát mang tính thông điệp cao, tránh chuyện chỉ cười xong rồi không đọng lại điều gì. Những thông điệp của nhà hát đều luôn có những slogan chạy theo. Trong vở Tôi đẹp, tôi có quyền, tôi tin khán giả sẽ có những câu quen thuộc, rồi họ sẽ ý thức được quyền lợi của mình, được phép làm việc và sống thật với chính bản thân.
Anh nghĩ khả năng bán vé của vở diễn ra sao?
Chúng tôi là nhà đầu tư nên luôn quan tâm khán giả nói gì và nghĩ gì. Tôi tin nhu cầu làm đẹp là có thật. Khán giả đến trải nghiệm là điều tốt. Chúng tôi đã lựa chọn hạt nhân gần gũi với nhu cầu của mọi người, để có thể mong họ đến và thưởng thức một sản phẩm nghệ thuật chất lượng.
Những vở diễn đầu tư lớn ở nhà hát có thể lên tới 1-1,5 tỷ đồng, còn vở này, chúng tôi được phép thỏa thuận với ê-kíp nên kinh phí cũng giảm đi nhiều, chỉ khoảng 600 triệu. Thực ra, trong bối cảnh sân khấu hiện nay, đây là khoản đầu tư khá lớn nhưng tôi tin với nhiệt huyết, mong muốn mang tới cho khán giả nhiều tác phẩm tốt, có tính giải trí, thẩm mỹ, định hướng và nhận thức cao hơn, chúng tôi không ngại đầu tư. Hy vọng có thể thu hồi vốn và rộng hơn, ai cũng mong muốn có lãi cả (cười).
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận