Các nghệ sĩ trong series hài cuối tuần Xóm hóng. |
Thị trường hài Bắc “lép vế”
Thời gian gần đây, ở miền Nam, các chương trình hài thực tế đua nhau “mọc” lên “xâm chiếm” thị trường hài và gây ra những hiệu ứng lớn đối với công chúng như Hội ngộ danh hài, Thách thức danh hài… Mới đây nhất là Bí mật đêm chủ nhật cũng gây xôn xao dư luận khi quy tụ dàn diễn viên hài tiếng tăm do danh hài Hoài Linh “cầm trịch”. Không những vậy, làng hài kịch miền Nam còn tìm thêm được nhiều tài năng mới từ chương trình Cười xuyên Việt như Dương Lâm, Mạc Văn Khoa…
Bao giờ hài kịch miền Bắc giải quyết được câu hỏi: “Bạn đã thay đổi được mình chưa?” thì lúc đó mới mong phát triển và đến gần được với khán giả”, NSƯT Chí Trung nhận xét |
Ngoài ra, thị trường hài miền Nam cũng đang phát triển ngày càng sôi động, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia với những tác phẩm hài ấn tượng như Chầu hoan Cua chống, Kính vạn bông… của nhóm hài DamTV.
Trong khi đó, làng hài miền Bắc lại đang có dấu hiệu “loãng” khi gần như vắng bóng các sân khấu, chương trình hài. Có chăng, cũng có một số sân khấu hài kịch phục vụ khán giả xem trực tiếp, nhưng tất cả đều biểu diễn tại các nhà hát kịch mà khán giả truyền hình khó có cơ hội tiếp cận. Họa hoằn lắm mới có chương trình Ơn giời, cậu đây rồi; Xóm hóng… gây được tiếng vang lớn.
Không chỉ vậy, làng hài miền Bắc nhiều năm trở lại đây gần như có rất ít nhân tố mới. Nhiều người cho rằng chính việc thiếu sân chơi, thiếu cuộc thi tìm kiếm tài năng hài kịch khiến “đội quân” của làng hài trở nên khan hiếm. Các chương trình tìm kiếm tài năng những năm gần đây hầu hết chỉ tìm tài năng về âm nhạc, nhảy múa chứ ít khi tài năng diễn xuất được trọng dụng. Mặt khác, những gương mặt nghệ sĩ hài như Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Vân Dung, Công Lý… đã quá xuất sắc và đi sâu vào lòng công chúng, trở thành “tượng đài” của làng hài kịch miền Bắc mà khó ai có thể vượt qua. Vậy nên càng khiến ít bạn trẻ muốn đi theo con đường này, bởi rất khó nổi lên được.
Đi tìm “cân bằng” cho làng hài kịch
Nghệ sĩ Chí Trung nhận định: Thị trường hài kịch miền Nam mang đúng nghĩa sân khấu, phát triển theo cơ chế thị trường, luôn nhộn nhịp, đa dạng, nhiều tụ điểm biểu diễn để đáp ứng nhu cầu của khán giả nên nghệ sĩ miền Nam có đất sống và phát triển. Còn ngoài Bắc, thị trường hài kịch, sân khấu quần chúng ảm đạm hơn, một phần bởi khán giả ít có nhu cầu, mặt khác cũng do sân khấu không cập nhật được những điều gắn với đời sống. Diễn viên miền Bắc cũng còn nhiều e dè, một số vẫn chưa thực sự hết mình với nghệ thuật bởi họ thích đứng trên sân khấu, thích cát xê mà những vở diễn mang lại chứ chưa thực sự quan tâm khán giả cần gì.
“Làng hài kịch miền Bắc những năm gần đây, đặc biệt trên truyền hình cũng xuất hiện một số gương mặt hài trẻ tài năng, nhưng đều giống nhau ở cách diễn vô cùng nhạt nhẽo. Không phải do họ không có tài, mà do cấu trúc kịch bản còn lỏng lẻo, tình huống và cách đạo diễn sân khấu không chỉn chu.
Mặt khác, các bạn trẻ có “năng lượng” nhưng không có chỗ để sử dụng. Họ có thể làm ra những clip, những tác phẩm hài rất hay, nhưng lại không có sân khấu để thể hiện, vì không phải sân khấu nào họ cũng được biểu diễn. Đây là điều đáng ngại của làng hài kịch miền Bắc.
Không thể cân bằng được làng hài kịch hai miền, bởi mỗi miền có nét đặc trưng riêng, trừ khi mở được liên hoan hài kịch toàn quốc, tất cả nghệ sĩ hai miền cùng tụ tập biểu diễn và sân khấu đó phải là của khán giả, nhưng điều này vô cùng khó thực hiện”, nghệ sĩ Chí Trung tâm sự.
Theo Duy Khánh, “cây hài” trẻ đang gây sốt trong giới trẻ Sài thành với bộ phim sitcom Cô giáo Khánh, cho biết: Hài miền Nam mang lại sự gần gũi với khán giả, dễ hiểu và dễ gây cười hơn hài miền Bắc. Khán giả miền Nam cũng thích những điều đơn giản, dễ hiểu, trong khi khán giả miền Bắc lại có yêu cầu cao hơn về giải trí, có lẽ đó là lý do khiến thị trường hài kịch miền Nam luôn phát triển sôi động hơn.
“Các bạn trẻ bây giờ thích đóng các bộ phim, clip hài vì xu hướng khán giả hiện nay thích xem online hơn. Họ không muốn bỏ tiền ra mua vé để vào sân khấu kịch, cũng không có nhiều thời gian để “canh me” chương trình trên tivi, nên họ tìm những chương trình nhanh gọn hơn để xem. Bởi vậy các diễn viên trẻ cũng tìm đến các clip như một cách để tiếp cận với khán giả, đó là một trong những lý do khiến sân khấu kịch vắng bóng các gương mặt mới”, Duy Khánh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận