Nhà lãnh đạo Mỹ cho hay ông cùng Tổng thống Putin đã thảo luận về khả năng của một hiệp ước hạt nhân mới mà có thể có sự tham gia của Trung Quốc.
Nếu thành hiện thực, đây có thể là một thỏa thuận lớn giữa ba cường quốc hạt nhân hàng đầu của thế giới.
“Tôi nghĩ chúng tôi có thể sẽ sớm khởi động một điều gì đó mà ban đầu là giữa Nga với Hoa Kỳ và sau đó có thể bổ sung Trung Quốc. Chúng tôi sẽ bàn về việc không phổ biến vũ khí và thỏa thuận hạt nhân. Tôi nghĩ sẽ là một thỏa thuận rất đầy đủ”, Tổng thống Trump nói.
Ông Trump cũng cho biết thêm trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ ngày 3/5, hai nhà lãnh đạo còn bàn về các nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, bế tắc chính trị tại Venezuela và tình hình Ukraine.
Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders xác nhận về cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo và nói rằng các chủ đề được thảo luận bao gồm khả năng ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh.
Theo bà Sanders, cuộc thảo luận cũng tập trung vào việc gia hạn hiệp ước New START. Hiệp ước ký năm 2011 là thỏa thuận kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga duy nhất giới hạn vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021, nhưng có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng ý.
Về phần mình, Điện Kremlin cho hay cuộc điện đàm do phía Washington đề xướng và hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc ở các cấp khác nhau.
Về vấn đề Venezuela, phát ngôn viên Sarah Sanders nói ông Trump khẳng định với ông Putin rằng, "Mỹ đứng về phía người dân Venezuela" và nhắc nhở Moscow rằng "tất cả các lựa chọn vẫn luôn sẵn sàng".
Trong khi đó, Tổng thống Putin nói với Tổng thống Trump rằng bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào vào chuyện nội bộ của Venezuela đều gây ảnh hưởng tới khả năng chấm dứt khủng hoảng chính trị ở đất nước Nam Mỹ, theo Điện Kremlin.
Đối với vấn đề Triều Tiên, Nhà Trắng cho hay ông Trump nhiều lần nhắc tới "sự cần thiết và tầm quan trọng của việc Nga tăng cường và tiếp tục áp lực lên Triều Tiên để phi hạt nhân hóa".
Trong khi đó, Điện Kremlin nói cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đều nêu bật mong muốn theo đuổi một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận