Xã hội

Hải Phòng: 136 hộ đã tháo dỡ lồng bè, bàn giao mặt nước cho chính quyền

07/03/2022, 20:38

Đã có 136/440 hộ nuôi trồng thủy sản trên các vịnh ở Cát Bà tự tháo dỡ lồng bè, bàn giao mặt nước cho ban quản lý các vịnh.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, quá trình tuyên truyền vận động, đến nay đã có 136 hộ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt nước cho ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

"Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền và các ban ngành đoàn thể, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, cùng thực hiện chủ trương", ông Mạnh nói.

img

Nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ lồng bè bàn giao mặt nước cho ban quản lý các vịnh Cát Bà

Theo ông Mạnh, tổng số hộ phải tháo dỡ lồng bè, trả lại mặt nước để thực hiện nuôi trồng thủy sản, hải sản theo quy hoạch mới là 440 hộ. Phần lớn các hộ đều đồng tình ủng hộ việc di chuyển, tháo dỡ lồng bè. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm.

Hiện có nhiều hộ nuôi cá từ 2-5 năm, trọng lượng có con lên tới cả chục kg. Trong khi đó dịch bệnh khiến cho ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Sức mua của nhân dân cũng bị ảnh hưởng theo. Do vậy, đầu ra cho các sản phẩm nuôi trồng đang gặp khó.

Thành phố cùng với các sở ban ngành đã phối hợp huyện tìm đầu ra cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng lồng bè ở các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Tuy nhiên, lượng cá nuôi lớn, đa phần là các loài cá thương phẩm cao, do vậy việc tiêu thụ của người dân cũng hạn chế.

img

Sau khi quy hoạch lại sẽ chỉ còn 152 vị trí nuôi trồng thủy sản lồng bè

Đặc biệt các nhà hàng, khách sạn trong nội thành hiện nay hoạt động cầm chừng, do đó sản phẩm nuôi trồng của bà con gần như vẫn dậm chân tại chỗ.

Huyện Cát Hải, Sở Ngoại vụ và Ban quản lý Di sản thiên nhiên thế giới đang tích cực tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.

Để tạo điều kiện cho việc quy hoạch và phát triển không gian du lịch, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản đặc thù có chất lượng cao, đề án sẽ hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, đảm bảo việc nuôi trồng thủy hải sản không xung đột với cảnh quan, môi trường du lịch.

Cũng theo ông Mạnh, hiện nay UBND huyện Cát Hải cũng phối hợp với các cơ quan ban ngành nghiên cứu, quy hoạch lại vị trí nuôi trồng, cách thức nuôi trồng làm sao đảm bảo môi trường, đồng thời tạo cảnh quan phục vụ hoạt động du lịch.

Hiện theo quy hoạch mới chỉ có 152 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh, các cơ sở này sẽ được làm theo phương pháp mới, chất liệu mới, đảm bảo chất lượng thực phẩm, đảm bảo mỹ quan và môi trường.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hải Phòng diễn ra ngày 11 - 12/8/2021 đã thông qua Đề án hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.

Theo đó, thống nhất mức hỗ trợ là 19.857.983 đồng/nhà chòi; 4.836.000 đồng/ô lồng nuôi cá; 89.008 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể.

Đối với sản phẩm nuôi là cá, mức hỗ trợ đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 25.000 đồng/m3. Từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 12.500 đồng/m3.

Đối với sản phẩm nuôi là nhuyễn thể, hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 12.500 đồng/m2.

Ngoài ra, hỗ trợ hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021 là 6.480.000 đồng/nhân khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.