Nghị quyết riêng về nhà ở xã hội
TP Hải Phòng là trung tâm công nghiệp lớn nhất phía bắc Việt Nam, với 14 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, cùng với các cụm công nghiệp đang được triển khai, đã thu hút trên 190 nghìn lao động, trong đó có khoảng trên 67 nghìn lao động nhập cư.
Số lượng công nhân trong các KCN ngày càng tăng, kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở cho công nhân tăng cao, đây đang là vấn đề rất cấp thiết của Hải Phòng.
Qua khảo sát của UBND TP Hải Phòng, nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và lao động trên địa bàn TP Hải Phòng là rất lớn. Tại thời điểm 2016- 2017, toàn thành phố có tổng 205 chung cư cũ, với gần 8.100 hộ gia đình đang sinh sống; trong đó có 178 chung cư xuống cấp và nguy hiểm cần phải xây dựng lại, với khoảng 7.500 căn hộ.
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng thu nhập thấp có hộ khẩu tại địa phương phần lớn đều đã có chỗ ở hoặc ở chung với gia đình. Còn lại là các đối tượng người lao động nhập cư mới dịch chuyển đến, phần lớn hiện nay đều đang thuê trọ, ở chung, ở ghép hoặc ở nhờ nhà người thân để tiết kiệm chi phí, chưa có khả năng sở hữu nhà ở.
Nhu cầu nhà ở thu nhập thấp tập trung tại các hộ gia đình chưa có nhà ở và nhà ở thiếu kiên cố, đơn sơ, có diện tích chật hẹp, không đảm bảo không gian và điều kiện sinh hoạt.
Đứng trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở tại địa phương, toàn bộ hệ thống chính trị TP Hải Phòng đã cùng hành động, với quyết tâm cao, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm khi tiến hành huy động doanh nghiệp tham gia chung sức cải tạo các chung cư cũ theo hình thức BT.
Qua đó, trong vòng 5 năm (từ 2017- 2022), 18 khu tập thể xuống cấp trên địa bàn TP Hải Phòng đã được phá dỡ để xây mới 7 chung cư hiện đại (gồm U19 Lam Sơn; N1, N2 Lê Lợi; HH3-HH4, HH1-HH2 Đồng Quốc Bình) với tổng số 2.654 căn hộ.
Cùng với đó, tại các khu đất đối ứng cũng đã được đầu tư xây dựng thành các khu đô thị văn minh hiện đại như: Hoàng Huy Riverside, Hoàng Huy Commerce, khu nhà ở số 85 đường vòng Cầu Niệm…
Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ đầu năm 2021, hình thức BT không còn phù hợp. Trong khi đó, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 5.700 căn hộ nữa mới đáp ứng cải thiện chỗ ở cho toàn bộ các hộ dân sinh sống tại chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn.
Nhận định, bên cạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), thì việc triển khai các dự án nhà ở cho công nhân là một trọng tâm ưu tiên của thành phố. Ngày 12/4/2022, HĐND TP Hải Phòng quyết định ban hành Nghị quyết số 04 thực hiện đề án xây dựng NƠXH kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Với hướng đi mới này, Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện xây dựng NƠXH kết hợp giải quyết xóa chung cư cũ.
Đặc biệt, hướng đi này hoàn toàn phù hợp, trúng với nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển 33.500 căn NƠXH theo Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Giúp người dân "đổi đời"
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, việc xây dựng NƠXH sẽ giải quyết những khó khăn trong cải tạo các chung cư cũ hiện nay.
Vì vậy, thành phố ưu tiên quỹ đất phù hợp, có vị trí tốt, thuận lợi về hạ tầng cơ sở, gần các khu đô thị, thu hút doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng và kinh doanh NƠXH đáp ứng các tiêu chí đặt ra.
Với cách làm này, thành phố chỉ phải bố trí khoảng 1.774 tỷ đồng chi phí bồi thường, di dời 5.700 hộ tại các chung cư cũ trong khoảng 3-4 năm. Thay vì hỗ trợ giá thuê nhà ở, thành phố xem xét hỗ trợ 1 lần để người dân đủ nguồn tài chính mua NƠXH, có quyền sở hữu nhà ở, vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách, vừa dần xoá bỏ bao cấp về nhà ở, giảm áp lực lên bộ máy quản lý vận hành nhà chung cư.
Theo tìm hiểu của PV, trong điều kiện khó khăn, bằng cách xây dựng NƠXH kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại chung cư cũ xuống cấp, Hải Phòng đã và đang giải được bài toán khó, hiện thực hóa giấc mơ an cư cho hàng nghìn hộ dân gắn với chỉnh trang đô thị.
Ông Phạm Vũ Luận, phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền là một trong những gia đình đầu tiên chuyển đến sống ở tòa chung cư mới, hiện đại HH4 cao 29 tầng cho biết, trước đây gia đình 4 người nhà ông ở căn hộ tập thể cũ chỉ hơn 20 m2, chật chội, dột nát.
"Nhờ chủ trương, quyết tâm xóa bỏ các chung cư cũ đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của thành phố mà gia đình tôi cũng như hàng nghìn hộ dân khác đã có cơ hội được "đổi đời" khi giờ đây đang được sống trong căn hộ mới rộng rãi, khang trang, đầy đủ tiện nghi này", ông Luận nói.
Theo chương trình phát triển nhà ở TP Hải Phòng giai đoạn 2020-2030 (điều chỉnh năm 2022), Hải Phòng phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 phát triển 1,5 triệu m2 NƠXH, tương ứng khoảng 20.794 căn hộ.
Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt 300 nghìn m2 sàn, tương ứng khoảng 4.158 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt hơn 8.208 m2 sàn, tương ứng 210 căn hộ. Giai đoạn 2026 -2030 phát triển tăng thêm 2 triệu m2 sàn NƠXH, tương đương khoảng 28 nghìn căn hộ xây mới.
Nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 400 nghìn m2 sàn, tương ứng 5.598 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt 20 nghìn m2 sàn, tương ứng 400 căn hộ. Thành phố phấn đấu sẽ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 80 nghìn công nhân.
Đây đều là những mục tiêu rất cao nhưng Hải Phòng đã quyết định điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở TP Hải Phòng đến năm 2020, năm 2025 và 2030 và quyết tâm thực hiện bằng được (theo chương trình cũ, giai đoạn 2021-2025 diện tích NƠXH chỉ phát triển 610 nghìn m2 sàn; giai đoạn 2026-2030 cũng chỉ có 610 nghìn m2 sàn).
Như vậy, với chương trình nhà ở đã điều chỉnh, NƠXH được thành phố đặc biệt quan tâm, mục tiêu đề ra tăng gấp 2,5 - 3,5 lần.
Ngoài ra, TP Hải Phòng dự kiến sẽ quy hoạch khoảng 20% diện tích đất trong các KCN xây dựng NƠXH phục vụ công nhân.
Thời gian tới, sự gia tăng về tỷ lệ lấp đầy các KCN sẽ tăng số lượng công nhân làm việc, nhu cầu về nhà ở của công nhân tăng cao. Giai đoạn năm 2020, có 26.400 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Giai đoạn 2021-2025, có 40 nghìn công nhân có nhu cầu về nhà ở. Giai đoạn 2026-2030, có 40 nghìn công nhân có nhu cầu về nhà ở.
Việc thiếu nhà ở cho công nhân làm giảm sự hấp dẫn, thu hút của doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, khiến công nhân thiếu sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, làm đứt gãy kỹ năng lao động, gây lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận