Xã hội

Hải Phòng: Kỳ lạ cùng một mảnh đất, nhiều kiểu bồi thường

20/01/2022, 06:28

Dù đất cùng nằm trên diện tích bố mẹ chia cho nhưng lại được tính toán phương án bồi thường khác nhau, các con của bà In rơi vào cảnh mất nhà...

Dù đất cùng nằm trên diện tích bố mẹ chia cho nhưng lại được tính toán phương án bồi thường khác nhau, các con của bà Đào Thị In (ở thôn 5, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) rơi vào cảnh mất nhà, không được tái định cư và hiện đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”.

img

Tuy cùng có chung nguồn gốc đất nhưng phương án bồi thường đối với các hộ gia đình của các con bà In lại có sự khác nhau

Nhiều khuất tất trong GPMB

Phản ánh tới Báo Giao thông, bà In cho biết, năm 1987, bà cùng chồng (ông Vũ Văn Hữu, hiện đã mất) cùng các con là người đầu tiên về khai hoang, cải tạo, xây dựng nhà ở tại khu vực thôn 5, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên và sinh sống ổn định đến ngày nay.

Ông bà sinh được 5 người con gồm: Vũ Văn Tùng, Vũ Văn Quân, Vũ Văn Tuấn, Vũ Thị Luận và Vũ Thị Quý. Trong đó, chị Vũ Thị Luận đã đi lấy chồng.

Còn các con là Vũ Văn Tùng, Vũ Văn Quân, Vũ Văn Tuấn và Vũ Thị Quý đều được ông bà chia đất, xây nhà và sinh sống tại đây.

Theo bà In, khi thành phố lấy đất để xây dựng Dự án Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, gia đình bà rất ủng hộ chủ trương này, đồng thời sẵn sàng bàn giao đất để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Thế nhưng, ba người con là Vũ Văn Tùng, Vũ Văn Quân, Vũ Thị Quý mặc dù được bố mẹ chia thừa kế, phân rõ phần đất của mình và xây nhà ở hàng chục năm nay, nhưng không được đền bù thỏa đáng và xét tái định cư, khiến cho họ đang rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi bị cưỡng chế.

Không có nơi nào khác để ở, gần chục con người phải “ăn nhờ ở đậu”, chưa biết xoay xở ra sao.

Điển hình, vợ chồng ông Vũ Văn Tùng có 3 người con, được bố mẹ chia đất, xây dựng nhà ở sớm nhất, có hộ khẩu riêng.

Thế nhưng, khi GPMB xét đền bù, tái định cư thì chỉ được hỗ trợ về đất bằng 10% đơn giá đất ở sử dụng làm nhà ở và chỉ được xét tái định cư lô phụ.

Trong khi đó, cùng giáp ranh với diện tích đất ông Tùng, cùng được bố mẹ chia đất, xây nhà, nhưng đất ở của em trai ông Tùng là ông Vũ Văn Tuấn lại được xét đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và bồi thường theo Quyết định 1281 ngày 12/6/2018 của UBND TP Hải Phòng.

“Mảnh đất gia đình tôi khai hoang từ năm 1987, bố mẹ tôi đã bán cho một số người dân, khi Nhà nước GPMB, họ đều được nhận đúng theo quyền lợi được hưởng, được xét đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất và xét tái định cư lô chính.

Vợ chồng tôi là người được bố mẹ chia đất ở, xây nhà sớm nhất, nhưng khi GPMB chỉ được hỗ trợ về đất bằng 10% đơn giá đất ở sử dụng làm nhà ở và xét tái định cư lô phụ. Trong khi đó, ngay cả em trai tôi là Vũ Văn Tuấn, được bố mẹ chia đất ở và xây nhà muộn hơn rất nhiều nhưng vẫn được xét đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất và xếp tái định cư lô chính”, ông Tùng cho hay.

Cũng tâm trạng như ông Tùng, ông Vũ Văn Quân và bà Vũ Thị Quý cho biết, cả hai đều được bố mẹ chia đất, xây nhà ở giống các anh. Thế nhưng, khi đền bù GPMB thì cả hai anh em đều không được xét tái định cư.

Sẽ xem xét lại kỹ lưỡng

Theo UBND huyện Thủy Nguyên, hộ ông Tùng không thuộc đối tượng được công nhận quyền sử dụng đất do sử dụng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng không đúng mục đích.

Vì vậy, không có cơ sở giải quyết công nhận quyền sử dụng đất đối với gia đình ông Tùng. Do hộ gia đình ông Tùng có 5 người đang sinh sống trên mảnh đất đó, ngoài thửa đất bị thu hồi không có chỗ ở nào khác, nên hội đồng bồi thường xét giao lô phụ tái định cư (lô đất có thu tiền sử dụng đất) cho hộ ông Tùng.

Còn đối với ông Vũ Văn Quân và bà Vũ Thị Quý, UBND xã Tân Dương xác nhận tại thời điểm thu hồi ông Quân và bà Quý không sinh sống trên đất nên xác định không có đất bị thu hồi, cho nên UBND xã Tân Dương không đề xuất giao tái định cư.

Tuy nhiên, có một điều lạ là tại Phương án số 09/PA-GPMB về bồi thường, hỗ trợ về đất đai, cây cối hoa màu, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi, GPMB để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm tại khu đầm Tân Hoa, thôn 5, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thì tài sản công trình, vật kiến trúc của ông Quân vẫn được thống kê và được ghép chung với hộ ông Vũ Văn Tùng.

Còn tài sản công trình, vật kiến trúc của bà Quý cũng được phê duyệt, tính toán bồi thường nằm chung với hộ gia đình ông Vũ Văn Tuấn.

Theo ông Vũ Văn Quân, rất khó hiểu khi nguồn gốc đất giống nhau, hiện trạng đất và nhà ở giống nhau, cùng là anh em gia đình, cùng được bố mẹ chia đất, xây dựng nhà ở, nhưng việc được hưởng đền bù, xét tái định cư của mỗi người lại khác nhau.

“Bên cạnh đó, qua các lần làm việc với cơ quan chức năng, họ đều xoa dịu và hứa sẽ đền bù thỏa đáng, xét tái định cư. Nhưng trên thực tế họ lại tổ chức cưỡng chế, xóa dấu vết, khiến cho gia đình tôi không biết trông cậy vào đâu. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét thỏa đáng để gia đình tôi có nơi ăn chốn ở”, ông Quân nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, về việc của gia đình bà Đào Thị In, Ban đền bù GPMB đã xem xét rất kỹ. Tuy nhiên, do có phản ánh, UBND huyện cũng sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét lại và thông tin đến cơ quan báo chí sau.

Dự án Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm có diện tích 324ha và dân số khoảng 17.500 người; khu vực quy hoạch nằm ở phía bờ bắc Sông Cấm trong khu địa giới các xã Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan của huyện Thủy Nguyên; phường Minh Khai, quận Hồng Bàng và phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền.

Dự án bao gồm các hạng mục như cầu Hoàng Văn Thụ với chiều dài 1138m; đê tả sông Cấm với chiều dài 2.016m; hệ thống giao thông Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm gần 10.000m và hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của TP Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.