Các cảng biển tại khu vực Hải Phòng đua nhau giảm giá dịch vụ xếp dỡ container giúp các chủ tàu ngoại “ngư ông đắc lợi” |
Chủ tàu ngoại - ngư ông đắc lợi
Sau khu vực Cái Mép - Thị Vải, cuộc chiến giành thị phần bằng cách giảm giá tiếp tục “hoành hành” tại cảng biển khu vực Hải Phòng khiến nhiều chủ cảng “lao đao”.
Thống kê cho thấy, hiện tại Hải Phòng có 11 trong tổng số 36 doanh nghiệp khai thác cảng biển với 26 bến container đang kinh doanh, xếp dỡ container. Năng suất xếp dỡ đạt 500 - 800 TEU/mét dài/năm. Giá dịch vụ xếp dỡ container do hãng tàu nước ngoài trả cho cảng bình quân ở mức 36,5 USD/container 20’ và 55 USD/container 40’.
“Có thời điểm, giá xếp dỡ một container 20’ được chào ở mức 30 - 32 USD/container 20’ - quá thấp so với giá thành. Đó là chưa kể tới việc một số cảng còn “kéo” khách bằng cách giảm giá, thậm chí miễn phí một số dịch vụ hỗ trợ” - ông Triệu Thuận, đại diện cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết.
"Với 2 triệu container xuất nhập khẩu qua cảng biển khu vực Hải Phòng mỗi năm, hãng tàu thu của chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam trên 200 triệu USD và chỉ trả khoảng 1/3 số tiền thu được (khoảng 70 triệu USD) cho các doanh nghiệp cảng tại khu vực Hải Phòng”.
Ông Bùi Thiên Thu |
Còn theo ông Trương Văn Thái - Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng, có thời điểm, nhiều cảng biển trong khu vực còn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách cảng báo giá dịch vụ xếp dỡ như thế nào, họ lấy chính báo giá đó và còn giảm đi một chút để hút khách.
Theo ông Bùi Thiên Thu - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN, việc các doanh nghiệp cảng giành thị phần bằng cách giảm giá dịch vụ xếp dỡ container dưới mức giá thành và miễn phí một số dịch vụ hỗ trợ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của các cảng, đồng thời làm hạn chế nguồn vốn tái đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng cầu cảng và trang thiết bị.
Đáng nói hơn, theo ông Thu, các chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng không được hưởng lợi từ việc giảm giá vì hầu hết hợp đồng xuất nhập khẩu của ta đều dưới dạng mua CIP, bán FOB (mua tại cảng đến, bán tại cảng đi).
Người hưởng lợi từ việc cạnh tranh không lành mạnh này, không ai khác chính là các chủ tàu nước ngoài. Trên thực tế, khoản tiền mà các chủ tàu nước ngoài phải trả cho các chủ cảng của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 mức giá mà hãng tàu thu của chủ hàng xuất nhập khẩu (96 USD/container 20’ và 148 USD/container 40’).
Khẩn trương xúc tiến hiệp thương giá
Thực hiện quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá, từ năm 2002 đến nay, hệ thống giá dịch vụ tại các cảng biển Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Giá dịch vụ cảng biển (gồm giá dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, container) do giám đốc cảng quy định, đồng thời thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính (hoặc Sở Tài chính theo phân cấp).
Rõ ràng cơ chế giá thị trường đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự quyết định giá theo tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cơ chế thị trường cũng phát sinh những hạn chế cần có sự can thiệp của Nhà nước trong trường hợp mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn dẫn đến việc các đơn vị tăng giá quá cao hoặc hạ giá quá thấp làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của Nhà nước.
Thống kê cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng đạt 55,4 triệu tấn (năm 2013), tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012. Số lượng tàu thuyền qua cảng đạt 16.841 lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, sản lượng container thông qua cảng đạt gần 3 triệu TEU, tăng 11% so với năm 2012. |
Trên thực tế, trong quá trình điều hành giá dịch vụ cảng biển theo cơ chế thị trường đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp quy mô nhỏ với giá trị đầu tư thấp được đưa vào khai thác đã hạ giá dịch vụ xếp dỡ container từ 20-30% so với giá của cảng Hải Phòng để thu hút tàu vào làm hàng tại cảng của mình, làm cho giá dịch vụ xuống thấp ở mức bất hợp lý. Hoặc cũng có trường hợp một số cảng mới ra đời, do đầu tư lớn mà không có khách hàng đã bằng mọi cách “chèo kéo” khách về, trong đó có giải pháp giảm giá theo kiểu “được đồng nào, hay đồng ấy”. Trả lời câu hỏi tại sao không đưa dịch vụ xếp dỡ container tại Hải Phòng vào danh mục bình ổn giá nhằm khắc phục trình trạng trên, ông Thu lý giải, để đảm bảo thực hiện đúng cam kết WTO về chính sách giá thị trường, do tình trạng cung chưa vượt quá nhiều so với cầu trong ngắn hạn, nên tại thời điểm hiện nay, không thể đưa ngay dịch vụ xếp dỡ container tại Hải Phòng vào danh mục bình ổn giá.
Hiện nay, việc hiệp thương giá giữa các doanh nghiệp khai thác container với các hãng tàu vận chuyển container xuất nhập khẩu vẫn chưa được thực hiện do nhiều cảng biển chưa thực hiện việc kê khai giá. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Hải Phòng hiện mới chỉ có Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng, cảng Nam Hải thực hiện kê khai với Cục Quản lý giá và Công ty CP cảng Đoạn Xá thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính.
Phía Cục Hàng hải VN, Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu cho biết, đang đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải VN chỉ đạo các doanh nghiệp cảng khẩn trương thực hiện việc kê khai giá ngay trong tháng 6 để làm cơ sở cho việc tổ chức hiệp thương giá dịch vụ xếp dỡ container khu vực cảng biển Hải Phòng.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận