Ưu thế vượt trội từ các chuỗi cảng biển
Trong những năm gần đây, Hải Phòng liên tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đầu cả nước về hoạt động đầu tư FDI. Bên cạnh đó, Hải Phòng có sự phát triển vượt bậc về cảng biển.
"Hải Phòng đang dành nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng. Đồng thời, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, nâng tổng số bến đến năm 2025 là 9 bến. Đến năm 2030 và sau năm 2030, tổng số bến là 23. Trong đó, trước mắt, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư 4 bến (số 3, số 4, số 5 và số 6)", lãnh đạo TP Hải Phòng chia sẻ.
Những ngày đầu tháng 9, ở công trường thi công bến số 3, 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư, nhiều công nhân vẫn đang hối hả thi công hạng mục tiếp theo sau khi hoàn thành việc đổ bê tông bản mặt cầu phân đoạn cuối cùng của hạng mục kè sau cầu, thuộc gói thầu EC vào giữa tháng 7/2023 (vượt trước thời hạn 3 tháng).
Ông Phạm Hồng Minh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng chia sẻ, hiện nay việc thi công gói thầu EC đã hoàn thành được hơn 50% khối lượng công việc.
Đơn vị đang tập trung thi công các hạng mục tiếp theo để nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng cầu cảng, nạo vét kè sau cầu, san lấp, đường bãi bước 1.
"Đến quý IV/2024 thì đơn vị sẽ hoàn thành việc thi công, khi đó cả 2 bến này sẽ đi vào khai thác. Ngoài ra, bến số 5 và 6 do Tập đoàn Hateco đang thi công cũng phấn đấu để hoàn thành cùng với bến số 3 và 4 của Cảng Hải Phòng", ông Minh cho hay.
Như vậy, hơn 1 năm nữa, riêng tại Lạch Huyện sẽ có tới 6 bến cảng đi vào hoạt động cùng một lúc, dự kiến có thể đón được tàu lên đến hơn 140.000 DWT.
Được biết, phía sau Lạch Huyện là hệ thống cảng nối dài từ Đình Vũ đến sông Cấm, riêng trong năm 2022 thì hệ thống cảng đã đóng góp tới hơn 90 triệu tấn hàng hóa thông qua. Ngoài ra, còn có việc nhập khẩu hơn 70 nghìn chiếc xe ô tô và nhiều loại hàng hóa đặc chủng khác.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 428 ngày 21/4/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được chấp thuận là nhà đầu tư dự án. Dự án này thuộc Cảng biển Hải Phòng nhằm đáp ứng mục tiêu trong chiến lược biển Việt Nam, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc đến thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Đồng thời, khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ nhận xét, giá trị từ các chuỗi cảng biển Hải Phòng mang lại rất lớn, không chỉ lượng hàng qua cảng tăng mà còn góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của TP Hải Phòng.
Hướng đến sánh vai cùng các cảng lớn trong khu vực và trên thế giới
Theo Nghị quyết số 02 ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Hải Phòng phải phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Hải Phòng sẽ có các cơ chế, chính sách có tính đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước…
Phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.
Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn.
Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VIệt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hải Phòng thuộc nhóm cảng biển số 1 và được ưu tiên phát triển tại khu vực Lạch Huyện.
Cùng với đó, sẽ khởi động cảng Nam Đồ Sơn trước năm 2030, đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng với những hải cảng lớn, sánh vai cùng các cảng lớn trong khu vực và trên thế giới.
Theo quy hoạch, khu bến Nam Đồ Sơn có chức năng là cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế với các bến cảng tổng hợp, hàng rời, container, khí hóa lỏng, hành khách, bến công vụ.
Khu bến này sẽ có năng lực đón tàu container sức chở đến 18.000 Teu; tàu tổng hợp, hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT. Bến cảng sông Văn Úc sẽ đón tàu tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí đến 10.000 tấn...
Sau năm 2050, Hải Phòng sẽ hình thành nên hệ thống cảng trung chuyển lớn với phía Bắc là khu vực Lạch Huyện, phía Nam là khu vực Nam Đồ Sơn. Cùng với đó là hệ thống giao thông liên hoàn và hình thành các trung tâm logistics.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó kêu gọi đầu tư xây dựng cảng, chỉnh trị luồng tàu… để khởi động khu bến cảng Nam Đồ Sơn trước năm 2030.
Tiềm năng các vùng cửa biển Hải Phòng đang từng bước được khai phá, bắt đầu mang lại những thành công với chuỗi cảng biển liên hoàn từ Lạch Huyện vào sông Cấm. Trong tương lai không xa, vùng cửa biển Hải Phòng sẽ có thêm hàng loạt bến cảng tại khu vực Lạch Huyện (quy hoạch 22 bến) và tại khu vực Nam Đồ Sơn đến cửa sông Văn Úc.
Khi đó Hải Phòng sẽ có 2 khu vực cảng trung chuyển hàng hóa tầm cỡ thế giới, đóng góp vào sự phát triển của hệ thống cảng biển quốc gia, giữ vai trò trụ cột của kinh tế hàng hải theo Nghị quyết số 36-NQ/TƯ (khóa 12) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận