Thời gian gần đây Công ty Cổ phần Công viên, cây xanh Hải Phòng đang thực hiện trồng khoảng 400 cây gạo đỏ trên nhiều tuyến phố như Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp là những tuyến đường mới, được coi là đẹp nhất Hải Phòng.
Được biết, kinh phí để trồng những cây gạo đỏ này lấy từ nguồn xã hội hóa.
Trao đổi với báo chí, Công ty Cổ phần Công viên, cây xanh Hải Phòng cho biết, những cây gạo có hoa màu đỏ giống như cây gạo cổ ở các vùng quê, tán không rộng, khác với cây gạo gai mà trước đó đã được trồng rất nhiều ở Hải Phòng.
Hàng trăm cây gạo đỏ được trồng ở các tuyến đường Lê Hồng Phong và Võ Nguyên Giáp ở Hải Phòng
Chuyên gia ngỡ ngàng trước việc Hải Phòng trồng cây gạo trên đường phố
Trước việc thành phố "Hoa phượng đỏ" trồng hàng loạt cây gạo ở các tuyến phố, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Đặng Văn Hà – Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho biết: loại cây gạo Hải Phòng vừa trồng trên hàng loạt đường phố chính là loại cây thường mọc phân tán ở các làng quê, ven các bìa rừng.
Theo PGS. TS Đặng Văn Hà, loại cây gạo này có thể cao tới 30 – 35 m, sinh trưởng phát triển nhanh, dễ trồng, tuổi thọ có thể đến hàng trăm năm. Cây gỗ mềm, khi già những cành lớn có thể tự gãy trong điều kiện thời tiết bình thường và có những cành khô trên cây có thể rơi rụng xuống bất cứ khi nào. Và hiện tượng này đã từng xảy ra với cây gạo cổ thụ ở bến xe TP Hà Giang năm 2019, làm thiệt mạng một người.
"Hải Phòng là vùng cửa biển, thường xuyên có mưa bão nên khi có gió bão, cành cây này sẽ dễ gãy, đổ. Cây gạo này có đặc tính rất nhiều hoa, nở rộ, bông hoa to màu đỏ tươi nhìn khá đẹp. Tuy nhiên, kích thước bông hoa lớn, cánh dầy và có nhiều chất nhầy, nên khi hoa rụng xuống không thu gom kịp thời rất dễ gây trơn trượt, nguy hiểm cho những người đi xe máy, xe đạp đi qua", PGS. TS Đặng Văn Hà phân tích.
Cũng theo PGS. TS Đặng Văn Hà, cây gạo có rất nhiều quả, quả chín tự nứt. Trong quả cây gạo có rất nhiều sợi bông, nên mùa quả rụng sẽ phát tán những sợi bông bay khắp nơi, người hít sợi bông đó vào sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
"Với những lý do trên, cây gạo này không phù hợp trồng tại những nơi có mật độ dân cư đông, người dân qua lại thường xuyên như các đường phố. Việc trồng cây gạo ở dải phân cách giữa đường và sát mép đường như tại Hải Phòng càng không nên bởi cây gạo sinh trưởng tới đường kính gốc 2m, cao 30m bộ rễ của cây sẽ ảnh hưởng lớn tới kết cấu vỉa hè, lòng đường, việc cắt sửa cây này cũng gặp nhiều khó khăn", ông Hà nói.
Quá trình nghiên cứu ở đô thị các nước trong khu vực, PGS. TS Đặng Văn Hà cho biết, ở một số nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam có trồng loại cây này nhưng chủ yếu trồng số lượng ít, trồng phân tán tại các khu vực như công viên, khuôn viên nhằm tạo điểm nhấn về cảnh sắc.
Người dân cho rằng, cây gạo gai thân giòn, dễ gãy, trồng ở đô thị sẽ gây ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của người dân
Người dân tranh luận kịch liệt
Việc Công ty Cổ phần Công viên, cây xanh Hải Phòng trồng loạt cây gạo ở các tuyến phố cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người dân TP Hải Phòng. Đa số các ý kiến đều cho rằng Hải Phòng trồng loại cây này tại dải phân cách các tuyến phố như Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp là không phù hợp.
Chị Lan Anh, nhà ở đường Võ Nguyên Giáp băn khoăn: "Thành phố nên trồng cây này trong công viên. Trồng giữa dải phân cách, vỉa hè, trên đường, trên phố là không phù hợp, cây cao, thân giòn dễ đổ..., chưa kể mùa hè ra hoa rơi xuống bẩn, xe đi trơn trượt quá nguy hiểm".
Trên mạng xã hội, người dân Hải Phòng cho rằng việc trồng hoa gạo đỏ không phù hợp
Còn chị Lê Thị Hương, ở quận Ngô Quyền cho rằng: "Hải Phòng là thành phố có tên "Hoa phượng đỏ", giờ lại trồng hoa gạo có phù hợp? Ngoài ra, trồng cây gì ở trong nội đô thị cũng nên có nghiên cứu cân nhắc cho phù hợp thổ nhưỡng, chống bão gió gẫy đổ, tạo bóng mát, đẹp cảnh quan..."
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận