Quản lý

Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường

Với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ

Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững

Tạo động lực phát triển kinh tế vùng

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, TP Hải Phòng tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2023 đạt 10,34%, Hải Phòng đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao và là năm thứ 9 liên tiếp giữ vững tăng trưởng ở mức 2 con số.

Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường- Ảnh 1.

Cầu Hoàng Văn Thụ, bắc qua sông Cấm, Hải Phòng.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 103.000 tỷ đồng và tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, có số thu trên 100.000 tỷ đồng.

Có được những kết quả nêu trên là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, đô thị để thu hút đầu tư bài bản. Theo đó, trong gần 10 năm trở lại đây, Hải Phòng đã dần hoàn thiện một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kèm với đó là giao thông nội bộ, các tuyến đường kết nối với các khu, cụm công nghiệp và hệ thống cảng biển.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: "Với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, chúng tôi xác định Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Vì vậy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh… để bàn các giải pháp phối hợp, liên kết cùng phát triển".

Một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất là tập trung hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng mới các cây cầu vượt sông nhằm tăng cường liên kết vùng. Những tuyến đường rộng mở, vươn dài cùng những cây cầu thay thế cho các tuyến phà cũ kỹ qua các dòng sông bao quanh thành phố như: Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình... đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cảng.

Chiến lược giao thông đi trước

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho hay, là địa phương hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông: Cảng biển cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, cùng hệ thống giao thông đường bộ kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực, Hải Phòng đã và đang phát huy hiệu quả thế mạnh hiện có này.

Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường- Ảnh 2.

Cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng hiện nay, hệ thống giao thông kết nối của Hải Phòng vẫn cần phải tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa nhanh và mạnh hơn nữa.

Việc tập trung thực hiện "đột phá" trong phát triển hạ tầng giao thông theo đúng ưu tiên hàng đầu trong Chương trình hành động của Chính phủ đang được thành phố triển khai thực hiện quyết liệt.

Những năm qua, nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm như đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hay nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi… đi vào hoạt động đã trở thành động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Hải Phòng nói riêng, cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Đặc biệt, đường ô tô cao tốc Hà Nội -Hải Phòng đã mở ra một trục giao thông huyết mạch mới góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của cả vùng Đông Bắc Bộ, kết nối các địa phương trong cả nước với hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn của các địa phương và cả của Trung ương, TP Hải Phòng đã mạnh dạn đề xuất và được chấp thuận việc sử dụng nguồn vốn nội lực của thành phố để đầu tư xây dựng mới các cây cầu trên các trục tuyến giao thông kết nối với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn quốc lộ trên địa bàn thành phố…

Tiếp tục hoàn thiện 5 loại hình giao thông

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, trong những năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, trong đó có TP Hải Phòng hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được 5 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành của 5 loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển và hàng không. Đây là tiền đề đặc biệt quan trọng để nghiên cứu, đầu tư hoàn thiện hệ thống GTVT toàn quốc nói chung và TP Hải Phòng nói riêng.

Về cảng biển, hiện đang triển khai xây dựng bến 3-6 cảng Lạch Huyện, dự kiến hoàn thành trong quý I/2025, bến 7-8 do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để có thể khởi công trong năm 2025; các bến 9-12 đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hải Phòng cũng đã quyết định chủ trương đầu tư tuyến đường sau các bến cảng số 3 đến bến số 6 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố để phục vụ hoạt động của hệ thống bến cảng Lạch Huyện và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Hải Phòng cũng là một trong những địa phương tiên phong trong việc huy động vốn xã hội hóa nghiên cứu Quy hoạch vùng đất vùng nước cảng biển Hải Phòng, gửi kết quả nghiên cứu cho Bộ GTVT để xem xét, phê duyệt sớm khi đủ điều kiện.

Đối với cảng Nam Đồ Sơn và khu bến Văn Úc, hiện nay Bộ GTVT đã giao cho Ban Quản lý dự án hàng hải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nạo vét và làm đê chắn sóng, chắn cát, tạo tiền đề kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, đầu tư xây dựng. Theo dự kiến, sẽ đưa vào khai thác 2 bến khởi động trước năm 2030.

Đối với lĩnh vực đường bộ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đang chỉ đạo nghiên cứu đầu tư hoàn thiện tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, với chiều dài khoảng 109km, quy mô 4 làn xe. Hiện nay, các địa phương, trong đó có Hải Phòng đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư và được giao là cơ quan chủ quản để đầu tư các đoạn tuyến qua từng địa bàn.

Trong lĩnh vực đường sắt, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thi công và dự kiến hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo ga Vật Cách, đường sắt trong cảng Vật Cách, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Bộ GTVT cũng đang phối hợp với các tỉnh thành phố nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt khổ 1.435mm kết nối từ Lào Cai đến hệ thống cảng Hải Phòng.

Đối với hàng không, TP Hải Phòng đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để khởi công đầu tư xây dựng Nhà ga T2 và cảng hàng hóa, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong năm 2025.

Với chiến lược phát triển bài bản trong đó quy hoạch mạng lưới giao thông, đô thị luôn đi trước, TP Hải Phòng nhiều năm qua luôn giữ được vị trí quy mô kinh tế chỉ đứng thứ 2 toàn vùng sau Thủ đô Hà Nội. Việc Hải Phòng giữ vững tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong một thời gian dài, liên tục dẫn đầu toàn vùng là sự nỗ lực, phấn đấu kiên trì, quyết liệt của quân và dân thành phố, với sứ mệnh Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.