Xã hội

Hai phương án "gỡ khó" kinh phí bảo trì đường sắt Quốc gia

03/03/2020, 17:09

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

img
Thủ tướng yêu cầu trình phương án kinh phí bảo trì đường sắt (ảnh minh họa)

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2020 để thảo luận, cho ý kiến về các phương án sau:

Phương án 1: Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Phương án 2: Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Được biết, Bộ GTVT đã giao hơn 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng, làm cơ sở triển khai kế hoạch bảo trì do vướng mắc về cơ chế, các quy định pháp luật. Bộ GTVT đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo cụ thể các vướng mắc này.

Tuy nhiên, để hoạt động đường sắt được bình thường, an toàn, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai ngay các thủ tục giải ngân; trường hợp vướng các quy định pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

Thời gian qua đường sắt Việt Nam gặp nhiều vướng mắc dẫn đến tình trạng khó khăn trong quản lý, bảo trì kết cấu hệ thống đường sắt Quốc gia, ảnh hưởng tới đời sống cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt. Trước nhiều khó khăn của ngành đường sắt, một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.