Hàng không

Hai phương án đầu tư sân bay Côn Đảo

23/09/2022, 07:56

Theo Cục Hàng không, có 2 phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo, hoặc theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, hoặc theo Luật Đầu tư PPP.

Đầu tư PPP sẽ cần thời gian hơn gấp đôi

Cục Hàng không VN cho biết: Nếu triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Cục Hàng không VN sẽ làm chủ đầu tư Dự án thành phần 1: Đầu tư nâng cấp đường CHC, đường lăn với tổng kinh phí 1.680 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 12/2024.

img

Sân bay Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2, tức là đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm.

Dự án thành phần 2 (công trình bảo đảm hoạt động bay) sẽ do TCT Quản lý bay VN đảm nhiệm. Cụ thể, DN này sẽ chịu trách nhiệm đầu tư Đài Kiểm soát không lưu, Hệ thống quan trắc khí tượng tự động tầng đồng bộ theo Quy hoạch đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến 169 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (nhà ga hành khách, sân đỗ và hạ tầng dùng chung…) sẽ do TCT Cảng Hàng không VN thực hiện bằng nguồn vốn của DN, tổng mức đầu tư dự kiến: 2.400 tỷ đồng.

Côn Đảo là một trong những sân bay cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng trong những năm thực thi chế độ cai tù đối với các chiến sĩ cộng sản Việt Nam thế kỷ 19. Sân bay này có đường băng ngắn, bao quanh là biển cả và núi non hiểm trở.

Sân bay Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2, tức là đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm.

Hiện tại, sân bay Côn Đảo được quy hoạch là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự, công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm. Sân bay có tổng số 8 vị trí đỗ tàu bay.

Riêng dự án thành phần 4 (kho xăng dầu hàng không) sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư số 23của Bộ GTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay. Tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.

Với phương án triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (phương án 2), sẽ lựa chọn hình thức đầu tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư Cảng HK Côn Đảo (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia).

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng HK Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến: 4.402 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện: tối thiểu 51 tháng trong khi nếu triển khai theo phương án 1 chỉ cần 21 tháng.

Khoảng thời gian 51 tháng này bao gồm 12 tháng triển khai các thủ tục để đảm bảo điều kiện triển khai đầu tư Cảng HK Côn Đảo theo hình thức PPP (sửa đổi văn bản QPPL; xử lý tài sản công; bàn giao đất, bàn giao tài sản từ quốc phòng sang dân dụng ....); 15 tháng lựa chọn nhà đầu tư và 24 tháng thực hiện dự án.

Theo Cục Hàng không VN, ưu điểm của phương án 1 là đảm bảo quyền của doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; Đảm bảo sự ổn định trong phối hợp khai thác, đảm bảo ổn định vai trò quốc phòng an ninh của cảng hàng không, sân bay khai thác dùng chung; không gây xáo trộn; Tuân thủ đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiến độ thực hiện nhanh nhất, khả thi nhất vì quy trình thủ tục rõ ràng, không phải sửa đổi văn bản QPPL, không phải thực hiện các quy trình liên quan đến đấu thầu, lựa chọn nhà thầu PPP.

Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là hiện tại ACV chưa cân đối được kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2025 để triển khai đầu tư các hạng mục Dự án thành phần 3 theo đúng Quy hoạch Cảng HK Côn Đảo đã được phê duyệt.

Với phương án 2, ưu điểm là huy động được nguồn vốn của xã hội đầu tư vào KCHT cảng hàng không, sân bay; giảm áp lực về nguồn vốn cho nhà nước cũng như doanh nghiệp nhà nước là ACV. Tuy nhiên nhược điểm là thay đổi về vai trò doanh nghiệp cảng, người khai thác Cảng HK tại Côn Đảo. Theo đó doanh nghiệp Nhà nước tại Cảng HK Côn Đảo không còn đóng vai trò là doanh nghiệp cảng. Thay đổi cơ chế khai thác, theo đó ảnh hưởng đến công tác phối hợp ổn định về quốc phòng an ninh của Cảng HK Côn Đảo từ trước đến nay.

Phải sửa đổi các văn bản QPPL, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện; Phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng các các Bộ ngành có liên quan để đánh giá khả năng, phương án bàn giao tài sản từ quốc phòng sang dân dụng. Đồng thời phải thực hiện quy trình xử lý tài sản công trước khi bàn giao cho nhà đầu tư PPP.

Ngoài ra, còn phải xử lý tài sản doanh nghiệp nhà nước là ACV trước khi thực hiện dự án PPP. Tiến độ thực hiện kéo dài do phải lựa chọn nhà đầu tư PPP theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Cục Hàng không VN cũng đánh giá đầu tư theo phương án 1 sẽ khả thi hơn do đã có các Chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành. Thực tế, việc kêu gọi đầu tư PPP theo phương án 2 với tổng mức đầu tư ước tính 4.400 tỷ đồng đối với Cảng HK Côn Đảo có công suất dưới 2 triệu hành khách/năm sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nếu xét về phương án hoàn vốn cũng như hiệu quả đầu tư.

ACV đề xuất đầu tư theo lộ trình

img

Cảng hàng không Côn Đảo hiện chỉ có thể tiếp nhận tàu bay nhỏ

Theo thông tin của Báo Giao thông, ACV vừa đề xuất phương án mở rộng nhà ga hiện hữu nâng tổng diện tích lên khoảng 6.340m2 và bố trí dây chuyền hàng không đáp ứng công suất 800 hành khách/giờ cao điểm (có thể khai thác lên 2 triệu hành khách/năm đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030).

Cho rằng với việc phân bổ slot đều hơn, được bố trí đèn đêm nên số giờ cao điểm nhiều hơn thì việc khai thác 2 triệu hành khách/năm tại Côn Đảo là hoàn toàn khả thi, ông Bình cũng tiết lộ: Nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất có diện tích hơn 40.000 m2 nhưng đã khai thác tới 27 triệu khách/năm).

“Khi sản lượng hành khách tăng cao sẽ đầu tư nhà ga mới theo quy hoạch và chuyển đổi tận dụng nhà ga hiện hữu làm ga hàng hóa”, ông Bình nhấn mạnh.

Đối với sân đỗ máy bay, lãnh đạo ACV cho rằng cần thiết phân kỳ xây dựng sân đỗ máy bay thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 xây dựng 5 vị trí đỗ cho máy bay Code C tại khu vực số 2 (khu vực giữa). Đồng thời, hiện nay sân đỗ máy bay hiện hữu đang khai thác ổn định với các loại máy bay ATR72 và Embraer 195. Do đó, sẽ sử dụng sân đỗ máy bay hiện hữu làm phương án dự phòng đỗ máy bay ATR72 khi nhu cầu thực tế cần thiết.

Giai đoạn 2, sau khi TCT Quản lý bay VN (VATM) di dời đài kiểm soát không lưu, đồng thời công tác giải phóng mặt bằng được hoàn tất, ACV sẽ tiếp tục mở rộng sân đỗ máy bay với quy mô phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2030 theo quy hoạch.

Với phương án đề xuất nêu trên, ACV ước tính tổng mức đầu tư nhà ga hành khách dự kiến khoảng 388,7 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong khoảng 24 tháng tính từ khi Ủy ban Quản lý vốn NN có ý kiến chấp thuận. Trong đó, sẽ cần khoảng 7 tháng để chuẩn bị đầu tư (điều chỉnh quy hoạch cục bộ, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt tổng mặt bằng, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án).

17 tháng sau đó là thời gian triển khai thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, rà phá bom mìn, đấu thầu, thi công xây dựng.

“Tiến độ thực tế phụ thuộc vào thời gian điều chỉnh quy hoạch cục bộ, thời gian đóng cửa sân bay của dự án đường cất hạ cánh”, ông Bình nói thêm.

Với dự án xây dựng sân đỗ máy bay, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 280,4 tỷ đồng, thực hiện trong 24 tháng (9 tháng chuẩn bị và 15 tháng triển khai).

Giai đoạn 2, sẽ xây dựng thêm 3 vị trí đỗ để đạt 8 vị trí theo quy hoạch. ACV cũng dự kiến sẽ triển khai trong thời gian đến năm 2030. Chi phí đầu tư cho giai đoạn này khoảng 174,74 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.