Y tế

Hai phương án gỡ khó cho bệnh viện nghìn tỷ chậm tiến độ ở Cần Thơ

07/06/2023, 18:49

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có tổng vốn 1.727 tỷ đồng, khởi công từ 2017 đến nay vẫn chưa xong, hiện đang xem xét 2 phương án để thi công tiếp.

Khó khăn chồng chất

Ngày 7/6, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Cần Thơ với Ban cán sự Đảng UBND TP Cần Thơ về những dự án trọng điểm, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ có báo cáo những khó khăn, vướng mắc của Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.

img

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sau 7 năm khởi công còn ngổn ngang

Dự án sử dụng vốn vay ODA Hungary, đến nay thi công chỉ đạt 21,3% giá trị khối lượng theo hợp đồng Tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng công trình (gọi tắt là EPC).

Trong khi đó, hợp đồng giữa Sở Y tế (chủ đầu tư dự án) và liên danh nhà thầu VMD Kórházi Technológiai Zrt, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP; Công ty CP Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng - CONINCO (Việt Nam) và Công ty TNHH AZUSA Sekkei (Nhật Bản) đã hết hiệu lực vào ngày 10/7/2022.

Hiệp định vay của dự án đã được ký kết lần 2 giữa Bộ Tài chính và Eximbank Hungary cũng đã hết hiệu lực vào ngày 11/7/2022.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng (vốn vay ODA Hungary là 56.927.480 Euro, tương ứng 80,66% tổng mức đầu tư) vốn đối ứng của Cần Thơ là 13.646.520 Euro (chiếm 19,34%).

Dự án được tổ chức lễ động thổ tháng 10/2017 tại khu đất bên đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, do Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, Cần Thơ phải lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng mới để thực hiện khối lượng công việc còn lại theo quy định.

Theo ông Cường, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có khó khăn trong việc xác định phần khối lượng mà liên danh nhà thầu đã thực hiện dẫn đến khó xác định giá thanh toán của phần khối lượng này.

Thành viên đứng đầu liên danh nhà thầu, trong quá trình thi công không tuân thủ hiệp định khung được ký kết giữa 2 nước. Thành viên này cũng không bố trí nhân sự có thẩm quyền có mặt thường xuyên trong quá trình triển khai dự án.

Khi Sở Y tế Cần Thơ tổ chức họp và mời các bên liên quan tham dự để có hướng giải quyết thì nhà thầu, đơn vị tư vấn quản lý không dự, không phản hồi bằng văn bản cho Sở.

Một số hạng mục phát sinh sau này của dự án chưa được Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng thẩm định.

img

Để tiếp tục dự án này, Sở Y tế Cần Thơ phải giải quyết rất nhiều khó khăn

Sở Y tế hiện cũng chưa thu hồi được vốn tạm ứng hợp đồng với liên danh nhà thầu.

“Tổng phần tạm ứng cho các nhà thầu là 6,8 triệu Euro, hiện các nhà thầu này còn nợ tạm ứng khoảng 3,8 triệu Euro. Sở cũng liên tục làm các thủ tục để thu hồi khoản này nhưng chưa nhận được phản hồi từ các nhà thầu”, ông Cường cho biết.

Hai phương án gỡ khó

Từ những khó khăn trên, ông Hoàng Quốc Cường cho biết vẫn tiếp tục thực hiện dự án với vốn vay ODA Hungary.

img

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nói về khó khăn của dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Để dự án tiếp tục thi công, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ đề xuất 2 phương án:

Phương án 1 là gia hạn hợp đồng EPC. Để gia hạn, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT cùng các Bộ ngành khác có liên quan phải có ý kiến về việc ký phụ lục hợp đồng gia hạn.

“Do thời gian thực hiện dự án đã kéo dài nên nếu chọn phương án này sẽ có phải thay đổi tổng mức đầu tư. Dự kiến phải tăng ít nhất 30% giá trị vì vật liệu, trang thiết bị đều tăng, không còn phù hợp với tổng mức đầu tư ban đầu nữa”, ông Cường cho hay.

img

Cơ sở hiện tại của Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã xuống cấp, phải tận dụng mọi không gian để sử dụng

Phương án 2 là ký mới hợp đồng EPC theo hướng dẫn của Bộ Tài chính liên quan việc gia hạn hiệp định và ý kiến của Bộ KH&ĐT liên quan đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu phần khối lượng còn lại của dự án theo đúng quy định đấu thầu.

Để thực hiện phương án 2, Sở Y tế phải xác định giá trị khối lượng công việc mà liên danh nhà thầu đã thực hiện trước đó để thanh lý hợp đồng. Đồng thời xác định phần còn lại của gói thầu EPC làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Để xác định phần việc còn lại sẽ phải cập nhật lại giá vật liệu xây dựng, phát sinh thêm các chi phí khác, điều chỉnh danh mục trang thiết bị... Những điều này sẽ làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

img

Bệnh nhân, đội ngũ y tế phải rất vất vả ở 2 cơ sở hiện đã xuống cấp của Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

“Cuối cùng sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu, việc liên danh nhà thầu cũ tiếp tục thực hiện đối với phần việc còn lại sau khi cập nhật, điều chỉnh là chưa đảm bảo quy định để thực hiện.

Do vậy, nếu thực hiện phương án này phải tổ chức đấu thầu lại theo quy định. Việc này có khả năng liên danh nhà thầu cũ không được trúng thầu.

Từ hợp đồng mới được ký kết, Bộ Tài chính sẽ tiến hành các thủ tục đàm phán với nhà tài trợ về hiệp định khung và hiệp định vay mới cho dự án”, ông Cường nói.

Và ông cho biết, dù chọn phương án nào cũng phải thông qua ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để được hướng dẫn thực hiện.

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thành lập năm 2007, được tách ra từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương. Hiện, cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ nằm trên đường Châu Văn Liêm, phường Tân An; cơ sở 2 ở đường Trần Bình Trọng, phường An Phú, cùng quận Ninh Kiều.

Hai cơ sở Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có 450 bác sĩ, nhân viên; giường theo kế hoạch là 400, thực kê là 420 giường. Mỗi ngày, bệnh viện khám và điều trị ngoại trú cho 700 - 800 bệnh nhân.

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thu dung, điều trị bệnh ung thư, ung bướu cho cả ĐBSCL. Do đó, với cơ sở vật chất xuống cấp hiện tại, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tại đây phải rất cố gắng để phục vụ cho bệnh nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.