Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu như hiện nay |
Liên quan đến phương án tính lương hưu mới, cơ quan soạn thảo dự án luật đề xuất hai phương án: Phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2: Số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu như hiện nay. “Theo dự thảo, nam phải mất 35 năm, nữ phải mất 30 năm mới được hưởng tối đa 75%, trong khi bình quân hiện nay là nam 30 năm và nữ 25 năm. Ngoài ra, nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 30% so với nghỉ từ 31/12/2017”, ĐB Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) đề nghị.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, chính sách lương hưu hiện vẫn mang tính bao cấp khi mức lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ bằng 70% lương thực tế. “Trong khi đó, mức lương hưu được hưởng rất cao, chẳng hạn như trường hợp ông Nguyễn Minh (nguyên TGĐ Công ty bia Huda) khi nghỉ hưu vẫn được nhận 65 triệu đồng/tháng - cao hơn cả mức lương Chủ tịch QH đang hưởng khi vẫn đương chức”, ông Lợi ví von.
Minh Tiến
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận