Bất động sản

Hai quy định đặc thù Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ hôm nay

01/04/2024, 15:47

Quy định về lấn biển (Điều 190) và quy định sửa đổi Luật Lâm nghiệp (Điều 248) trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/4.

Quy định về hoạt động lấn biển

Điều 190 quy định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

Hai quy định đặc thù Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ hôm nay- Ảnh 1.

Dự án lấn biển nghỉ dưỡng Tuần Châu Hạ Long tọa lạc tại bờ biển Đông Nam của Đảo Tuần Châu, thuộc phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), quy mô lên tới hơn 1.000ha.

Việc giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển được tiến hành đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Đây là nội dung được rất nhiều chuyên gia, đại biểu QH quan tâm. Bởi nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí lấn biển nên được xác định ngay từ đầu vì dự án lấn biển thường là các dự án có quy mô lớn, có thể lên đến nhiều tỉ USD. Do đó, cần đánh giá ngay từ đầu cho nhà đầu tư biết để chủ động phương án tài chính, cũng như không bị rơi vào thế bỏ cả tỷ USD để lấn biển mà không biết được giao đất hay không…

Cũng theo Điều 190, hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc luật định như: Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định; Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị…

Hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc: Khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản thiên nhiên; Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Khu vực cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải, vùng nước để xây công trình phụ trợ; cửa sông và các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thì chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư…

Sửa đổi Luật Lâm nghiệp 2017

Điều 248 Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung 9 điều tại Luật Lâm nghiệp 2017. Cụ thể, sửa đổi nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng tại Điều 14 bằng quy định “không được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng vào dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia” thành “không được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng vào dự án phục vụ quốc phòng, an ninh”.

Sửa đổi Điều 15 về căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Nổ sung đối tượng được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng tại Điều 16; Sửa đổi, bổ sung Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Điều 19…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.