Bắt giữ Chủ tịch và Giám đốc điều hành HNA
Hai thông tin chấn động giới kinh doanh Trung Quốc đều diễn ra vào tối muộn 24/9.
Trong đó, cảnh sát tỉnh Hải Nam cho biết, Chủ tịch Chen Feng và Giám đốc điều hành Tan Xiangdong của tập đoàn hàng không và logistic HNA, đã bị bắt giữ. Song, phía cảnh sát không nêu chi tiết cáo buộc.
HNA được thành lập vào năm 1993, từ một hãng hàng không khu vực nhỏ trên đảo Hải Nam vươn lên thành tập đoàn khổng lồ, sở hữu một trong những hãng hàng không hàng đầu Trung Quốc là Hainan Airlines.
Có lúc, tổng tài sản của HNA lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 154,8 tỷ USD).
Chủ tịch tập đoàn HNA Chen Feng. Ảnh - Reuters
Ngoài ra, HNA còn nắm cổ phần trong một số hãng hàng không Trung Quốc và quốc tế, như Hong Kong Airlines, Comair, Africa World Airlines… Tập đoàn này cũng mở rộng ra toàn cầu với nhiều thương vụ đầu tư, mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực hàng không, du lịch, bất động sản, dịch vụ tài chính.
Song, năm 2017, chính phủ Trung Quốc kiểm soát hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của HNA, buộc tập đoàn phải thu hẹp quy mô tài sản, tập trung vào hàng không, du lịch.
Đến đầu năm nay, HNA chìm trong nợ nần vì không trả hết các khoản nợ tới hạn. Hãng thông báo một chủ nợ đã nộp đơn lên toà án yêu cầu tập đoàn tuyên bố phá sản và tiến hành tái cơ cấu.
Hiện tại, Hainan Airlines vẫn hoạt động bình thường. Dự kiến quá trình tái cơ cấu sẽ mất 1 năm, trong đó, hầu hết cổ phần của HNA sẽ thuộc về các chủ nợ.
Ông Tan Xiangdong, Giám đốc điều hành tập đoàn HNA. Ảnh - Reuters
Vụ bắt CEO và Chủ tịch HNA diễn ra giữa lúc Trung Quốc tăng cường gây áp lực, siết chặt quản lý đối với những hoạt động kinh doanh mà Bắc Kinh cho là nguy hiểm đối với nền kinh tế.
Chỉ cách đó một ngày, Tân Hoa Xã đưa tin, ông Yuan Rengu, cựu Chủ tịch tập đoàn Kweichow Moutai chuyên sản xuất rượu Trung Quốc cao cấp phục vụ giới doanh nhân, bị phạt tù chung thân vì nhận hối lộ 17 triệu USD.
Công chúa Huawei được tại ngoại về Trung Quốc
Cũng trong tối 24/9 (theo giờ VN), Bộ Tư pháp Canada ra thông báo, bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei đã được Bộ Tư pháp Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ.
Bà Mạnh Vãn Châu đã đạt được thoả thuận với Bộ tư pháp Mỹ để hoãn và cuối cùng huỷ bỏ cáo buộc, cho phép bà được tự do rời Canada, trở về Trung Quốc sau gần 3 năm.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, bà Mạnh đã rất xúc động, rơi nước mắt và ôm chặt các luật sư.
Bà Mạnh Vãn Châu trả lời phỏng vấn báo chí sau khi ra khỏi toà án tại Canada, hoàn tất thủ tục để được tự do. Ảnh - The Star
Bà Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, là Giám đốc Tài chính tập đoàn công nghệ Huawei, bị bắt tại sân bay Vancouver từ ngày 1/12/2018, trong lúc đang quá cảnh để chuẩn bị đến Argentina tham dự hội nghị.
Phía Mỹ cáo buộc bà nói dối quyền kiểm soát của Huawei với một công ty có hoạt động kinh doanh tại Iran, khiến ngân hàng HSBC đứng trước nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Nhà Trắng với Iran.
Đáp trả hành động của Canada, Trung Quốc cũng bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc hoạt động gián điệp, đẩy quan hệ Ottawa và Bắc Kinh rơi vào căng thẳng.
Vài giờ sau khi bà Mạnh được trả tự do, phía Trung Quốc cũng thả hai công dân Canada bị Bắc Kinh bắt từ năm 2018. Theo thông báo của Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào sáng sớm 25/9 (theo giờ VN), hai công dân này đang trên đường về nước.
Diễn biến này được nhận định là bước tiến mới trong quan hệ Canada – Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận