Hoạt động nhân sinh ít nhiều có tác động đến thiên tai
Ngày 30/10, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tại cuộc họp báo, các PV đặt vấn đề ngoài yếu tố thiên tai cực đoan, các bộ ngành liên quan đánh giá thế nào về tác động của con người tới thực trạng mưa lũ và sạt lở đất vừa qua ở một số địa phương.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) cho biết, liên quan đến những thiệt hại lớn do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các chuyên gia đã có những đánh giá ban đầu.
Theo đó, các chuyên gia địa chất cho rằng, các tỉnh khu vực miền Trung có địa hình đồi núi phân cắt mạnh, có lớp đất đá bị đập vỡ, nứt nẻ, phong hoá. Kèm theo thời tiết mưa lớn, lâu ngày, nước chứa trong lớp phong hoá nhão, dẫn đến có lực trượt kéo xuống phía dưới.
Nói về yếu tố con người trong đợt thiên tai vừa qua, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng các hoạt động nhân sinh ít nhiều có tác động đến.
"Khi chúng ta phát triển, mở đường, san ủi để có mặt bằng xây dựng nhà ở, trường học, các cơ sở hạ tầng, trong đó có các nhà máy thủy điện, những hoạt động tạo ra việc cắt mái taluy, mất chân sườn dốc, mất ổn định sườn dốc. Đây là những nguyên nhân kích hoạt để thiên tai có thể xảy ra", Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Về vấn đề mất rừng có phải là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng hơn, ông Lê Công Thành cho rằng cần đánh giá rõ trong từng trường hợp cụ thể. Ông Thành dẫn chứng, năm 2016 đã xảy ra vụ sạt lở đất ở khu vực rừng nguyên sinh tại Yên Bái, cho nên cần nhìn nhận ở trong từng trường hợp cụ thể.
Đối với vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Lê Công Thành nhấn mạnh, đây là công trình đang xây dựng, quá trình cắt xẻ vào sườn núi thì xảy ra sự cố. Theo phân tích của lãnh đạo Bộ TN&MT, đợt mưa lũ vừa qua là rất lớn, nhưng chính quyền các địa phương đã thực hiện vận hành liên hồ chứa rất tốt nên đã cắt được rất nhiều lượng nước về phía hạ du.
Ông Thành cho rằng, nếu không có sự vận hành hồ chứa này, lượng nước về hạ du sẽ rất lớn, lượng ngập, diện ngập sẽ rộng hơn so với trận lũ lịch sử năm 1999.
Về việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện, ông Lê Công Thành khẳng định, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đều có các đánh giá, thẩm định về các yếu tố tác động đặc thù như thảm thực vật, dòng chảy... Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp cũng có những quy định rất chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng đối với tất cả các loại dự án, không riêng dự án thủy điện.
Ông Lê Công Thành cho biết thêm, thời gian qua, Bộ TN&MT, Bộ Công thương đã tham mưu Chính phủ loại bỏ 412 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch, 213 điểm có tiềm năng xây dựng thủy điện cũng được xem xét rất kỹ, rất nhiều yếu tố nhằm tránh rủi ro thiên tai.
Phải có giải pháp để thuận thiên
Trả lời câu hỏi, con người có tác động vào thiên tai hay không, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định là có.
“Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu, hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Quan điểm của chúng tôi là phải thuận thiên, nhưng thuận thiên đối với Việt Nam là thích nghi có kiểm soát chứ không phải cứ để thế. Phải có giải pháp để thuận thiên”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, đợt thiên tai vừa qua tại miền Trung rất bất thường và dị thường. Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5,6 cơn bão vào miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn. Trận lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế cũng được cảnh báo trước 15 ngày.
Tuy nhiên, việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Ở trạm kiểm lâm 67, đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở huyện Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo.
Theo Thứ trưởng Hiệp, cần phải có ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo, hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở tỷ lệ đang là 1/50.000, trên thực tế thì cần tối thiểu tỷ lệ 1/10.000, ít nhất thì phải 1/5.000, và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ tỷ lệ 1/500.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận