Ngay từ những ngày trước thời điểm cập nhật danh sách tỷ phú đô la 2019, Forbes đã cập nhật những thông tin ban đầu trong hồ sơ về hai nhân vật trên.
Và đến đêm 5/3/2019 theo giờ Việt Nam, Forbes đã chính thức công bố dánh sách tỷ phú đô la, trong đó chính thức gọi tên ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang.
Trong danh sách này của Forbes, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, 49 tuổi, sở hữu khối tài sản 1,7 tỷ đô la, xếp vị trí 1349 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Còn ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group, 55 tuổi, sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp vị trí 1717 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Trong hồ sơ, 2 vị doanh nhân đều được mô tả là doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng.
Đây là lần đầu tiên hai doanh nhân xuất hiện trên Forbes. Giá trị tài sản sở hữu của ông Quang và ông Hùng Anh tổng cộng là tròn 3 tỷ đô la.
Trước đó, hồi đầu năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masanđã được Bloomberg ghi nhận là tỷ phú đô la mới của khu vực Đông Nam Á với việc sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.
Ông Quang là tiến sỹ vật lý hạt nhân, nhưng khởi nghiệp tại Nga. Ông Quang và ông Hùng Anh được biết đến là hai người rất thành công với mì gói Mivimex và tương ớt tại Nga.
Khi về nước, hai doanh nhân này đã xây dựng Masan Food và đầu tư vào Techcombank. Masan Food nay đã phát triển thành Masan Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo).
Còn Techcombank tính đến hết 2018 vươn lên đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên có lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ đồng với giá trị vốn hóa tính đến 1/3 là trên 93 nghìn tỷ đồng. Còn Masan Group cũng có giá trị vốn hóa trên 94,5 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 1/3.
Đến thời điểm này, giá trị vốn giá của cả Masan Group và Techcombank đều đã lớn hơn rất nhiều so với Vietjet Air của tỷ phú Phương Thảo hay Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, thậm chí vượt cả Vietinbank và chỉ đứng sau VinGroup, VinHomes, Vietcombank, BIDV…
Không trực tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của Masan Group nhưng cả ông Quang và ông Hùng Anh đều cùng nhau gián tiếp nắm quyền kiểm soát Masan Group thông qua hai pháp nhân là Công ty cổ phần Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương (do Masan Corp sở hữu 100% vốn).
Tại Masan Corp, ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 48,51% cổ phần và ông Hồ Hùng Anh sở hữu 47,56% cổ phần của doanh nghiệp này. (Còn lại, ông Nguyễn Thiều Nam nắm 2%, ông Nguyễn Thanh Hải 1% và bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ ông Quang nắm 0,54%).
Masan Corp và Hoa Hướng Dương hiện nắm giữ 44,7% cổ phần của Masan Group.
Tính chung cả lượng cổ phiếu Masan Group và Techcombank, vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang - bà Nguyễn Hoàng Yến sở hữu (trực tiếp và gián tiếp) khối tài sản trị giá khoảng 27.400 tỷ đồng (khoảng 1,18 tỷ USD, tính theo tỷ giá 1/3).
Không chỉ sở hữu lượng cổ phần lớn tại Masan Corp, khác với ông Quang, gia đình công Hồ Hùng Anh còn sở hữu một lượng rất lớn cổ phiếu Techcombank là 17,02%.
Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Masan Corp, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo xếp hạng của Forbes năm 2018, Việt Nam có 4 tỷ phú USD gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát).
Trong 2 năm gần nhất, Việt Nam đều có thêm đại diện mới gia nhập là Tổng giám đốc Vietjet vào năm 2017 và chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và chủ tịch Thaco Trần Bá Dương vào năm 2018. Tuy nhiên, năm nay, ông Trần Đình Long đã rơi khỏi danh sách do tài sản giảm xuống dưới 1 tỷ đô la.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận