Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả được triển khai khoa học, tiết giảm hàng nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư - Ảnh: Tiến Mạnh |
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được triển khai rất khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư và được đánh giá là mô hình mẫu cho hình thức dự án đối tác công - tư.
Điểm nhấn trên tuyến huyết mạch quốc gia
Sau hơn ba tháng phát động cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, hội đồng chấm thi gồm các chuyên gia đầu ngành về văn hóa, kiến trúc, giao thông, xây dựng đã lựa chọn được bốn đơn vị đoạt giải với tổng giá trị giải thưởng lên tới 450 triệu đồng. Theo kế hoạch, hôm nay (21/7), Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chính thức công bố và trao giải cuộc thi này.
Trước đó, từ tháng 4/2015, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cùng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đã tổ chức phát động cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, việc tổ chức cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng dự án hầm đường bộ Đèo Cả (nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) nhằm tạo điểm nhấn cho QL1 - tuyến đường huyết mạch của đất nước, đồng thời đảm bảo hài hòa về mặt kiến trúc cảnh quan và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu vực đèo Cả. “Tôi mong muốn hầm Đèo Cả không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, mà còn là công trình kiến trúc đẹp do chính những người Việt tự làm nên, là nơi dừng chân hấp dẫn của du khách mỗi khi qua đèo”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết thêm, các đơn vị có phương án kiến trúc được chọn để xây dựng công trình sẽ được đảm bảo quyền tác giả và được ưu tiên thực hiện lập dự án và các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực. “Trường hợp đơn vị có phương án kiến trúc được lựa chọn từ chối thực hiện thì chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp để thực hiện, nhưng quyền tác giả vẫn thuộc về tổ chức có phương án kiến trúc được chọn”, ông Minh khẳng định.
Vốn, nhà đầu tư, nhà thầu 100% Việt Nam
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả ban đầu được đầu tư theo hình thức tổng thầu EPC, sử dụng vốn vay của các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc trong khâu huy động vốn và tổng mức đầu tư quá cao, nên công trình phải trì hoãn nhiều năm. Sau đó, nhờ sự sáng tạo và năng động của Bộ GTVT đó là chuyển hướng sử dụng vốn của nhà tài trợ trong nước, cùng đó nhà đầu tư, nhà thầu cũng 100% của Việt Nam, chỉ có tư vấn giám sát thuê các đơn vị nước ngoài nên các thủ tục triển khai dự án được triển khai rất nhanh. Đến tháng 11/2012, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức lễ khởi công dự án theo hình thức BOT và BT, với tổng mức đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng.
Qua hai vòng chấm, với 9 phương án thiết kế của các đơn vị thiết kế chuyên nghiệp trong và ngoài nước tham gia, Hội đồng chấm giải gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, giao thông, xây dựng đã trao một giải Nhất trị giá 300 triệu đồng cho Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế ADA và Cộng sự (Chi nhánh Công ty Atelier Dubosc et Associes (Pháp) tại Việt Nam). Ba giải Ba (không có giải nhì), mỗi giải trị giá 50 triệu đồng cho các đơn vị: Công ty TNHH Kiến trúc AG; Liên danh Công ty Tư vấn xây dựng Hoàng Long và Công ty Đông A; Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ xây dựng - Đại học Kiến trúc Hà Nội. |
Theo nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, dự án có điểm đầu tại Km 1353+150 QL1 thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Điểm cuối tại Km 1374+525 QL1 thuộc thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tổng chiều dài của dự án là 13,2 km, trong đó hầm đèo Cả dài 4.125 m, hầm đèo Cổ Mã dài 500 m, 6 cầu dài 1.200 m và đường dẫn dài 8.330 m. Quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h.
Nguồn vốn để thực hiện dự án bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn tín dụng của ngân hàng VietinBank. Đến tháng 10/2013, nhà đầu tư đã thu xếp xong nguồn vốn đáp ứng tổng mức đầu tư của dự án là 15.603 tỷ đồng. Tháng 5/2014, Bộ GTVT đã chấp thuận việc điều chỉnh thiết kế cơ sở và đến tháng 12/2014, nhà đầu tư đã hoàn chỉnh tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án, giảm từ 15.603 tỷ đồng ban đầu xuống còn 11.378 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng phần tiết giảm hơn 4 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng hầm Cù Mông và bổ sung công trình này vào dự án hầm Đèo Cả. Đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận về chủ trương và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, để có thể khởi công hầm Cù Mông vào cuối năm 2015, nhà đầu tư đã tổ chức lập dự án đầu tư hầm Cù Mông bằng nguồn vốn chủ sở hữu và đã có báo cáo đầu kỳ với Bộ GTVT vào ngày 13/1/2015, báo cáo chi tiết vào ngày 23/3/2015.
Trong suốt thời gian qua, nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức triển khai dự án khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tháng 11/2014, nhà đầu tư đã đã thông được hầm Cổ Mã. Hiện hầm Đèo Cả và đường dẫn (bao gồm 6 cầu) đang triển khai thi công trên toàn bộ mặt bằng. Dự kiến đến tháng 9/2015 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án gồm hầm Cổ Mã và hơn 2 km đường dẫn phía nam. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải sau khi kiểm tra trực tiếp dự án đã đánh giá dự án hầm Đèo Cả là mô hình mẫu cho hình thức dự án đối tác công - tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận