Giao thông

Hầm đường bộ sẽ có biểu giá áp dụng riêng

04/12/2018, 14:40

Biểu giá áp dụng cho hầm đường bộ có mức thu cao hơn đối với giá tối đa tại Thông tư 35/20016.

deo-ca

Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016 sẽ bổ sung thêm một biểu giá tối đa đối với các dự án hầm đường bộ

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Tài chính cho biết, trước ngày 1/1/2017, việc thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38 ngày 28/8/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và mức phí từng dự án BOT đường bộ do Bộ Tài chính ban hành. Đến ngày 11/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 149 (sửa đổi Nghị định 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá) quy định Bộ GTVT ban hành về giá tối đa dịch vụ sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Để đảm bảo tính kế thừa các hợp đồng BOT đã và đang thực hiện, tránh xáo trộn, trên cơ sở thống nhất của Bộ Tài chính, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý với biểu mức giá tối đa là kế thừa toàn bộ biểu mức phí đã được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 159/2013 đang áp dụng cho các dự án BOT đường bộ.

Theo đó, Bộ GTVT quy định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ, còn mức giá cụ thể do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc khi thực hiện thu không vượt mức giá tối đa do Bộ GTVT quy định tại Thông tư 35/2016.

“Qua hơn một năm thực hiện Thông tư 35/2016, Bộ GTVT nhận một số ý kiến, kiến nghị sửa đổi điều chỉnh Thông tư 35 cho phù hợp với thực tiễn như: Một số dự án BOT hầm đường bộ có chi phí đầu tư lớn, chi phí vận hành khai thác cao, mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, nếu áp dụng mức giá trần tại Thông tư 35/2016 như các dự án BOT đường bộ khác thực hiện theo hình thức thu lượt sẽ không đảm bảo hoàn vốn, không thu hút được các nhà đầu tư theo hình thức BOT”, đại diện Vụ Tài chính chia sẻ.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu các kiến nghị để trình dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016 về mức giá của dự án hầm đường bộ thì cần đảm bảo hoàn vốn đầu tư nhưng phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Tổng cục Đường bộ VN đã trình dự thảo trong đó bổ sung thêm một biểu giá tối đa áp dụng cho dự án hầm đường bộ, biểu giá này có mức thu cao hơn đối với giá tối đa tại Thông tư 35/20016.

Cũng theo đại diện Vụ Tài chính, mức giá tối đa riêng cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ được xây dựng trên cơ sở Luật Giá, các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và có sự so sánh với phương pháp tính toán lợi ích của người sử dụng nhằm xác định phương án giá tối ưu nhất đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, người sử dụng và Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận như quy định tại Nghị định số 63/2018 và tuân thủ đúng quy định phương pháp định giá của Bộ Tài chính.

“Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016 đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, hiệp hội vận tải,… thực hiện tiếp thu theo đúng trình tự quy định pháp luật. Đến nay, Bộ Tài chính đã có văn bản tham gia ý kiến lần 3 về Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016, trong đó có biểu giá tối đa cho các dự án hầm đường bộ. Bộ GTVT đang tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 35, trong đó sẽ bổ sung thêm một biểu giá tối đa đối với các dự án hầm đường bộ”, đại diện Vụ Tài chính thông tin và cho biết, dự kiến Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016 sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.   

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.