PGS.TS Hoàng Hà (thứ 2 trái qua) báo cáo với Thứ trưởng Lê Đình Thọ (thứ 3 trái qua) về hiện trạng vết bong tróc lớp sơn bê tông vỏ hầm, dễ bị nhìn nhầm vết nứt nếu không quan sát kỹ (Ảnh chụp chiều 25/10). Ảnh Xuân Huy |
Các đợt khảo sát, kiểm tra thực tế vỏ hầm Hải Vân cho kết quả gì thưa ông?
Thực tế vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 đã có từ khi vận hành, khai thác hầm Hải Vân, trước khi bàn giao cho nhà đầu đầu tư (Công ty CPĐT Đèo Cả, từ tháng 1/2016-NV). Phía chủ đầu tư thuê Tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản và Tư vấn Alpin Technik của CHLB Đức dùng thiết bị quét tự động toàn bộ hầm, khảo sát vỏ bê tông hầm. Ngoài ra, Bộ GTVT tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát hiện trạng hầm. Kết quả cho thấy tổng số vết nứt được ghi nhận là 321 vết. Hầu hết là vết nứt rất nhỏ (chỉ có thể nhìn thấy bằng cách quan sát qua kính lúp). 8 vết nứt có trạng thái bất lợi đã được Bộ GTVT cho phép sửa chữa và hoàn thành cuối năm 2016. Các vết nứt nhỏ còn lại được quan trắc, theo dõi.
Các vết nứt diễn biến ra sao?
Các kết quả nghiên cứu, theo dõi cho thấy vết nứt hiện nay không phát triển so với thời điểm tháng 1/2016. Điều này thể hiện thông qua các thông số về độ rộng, chiều dài của vết nứt không biến động. Vết nứt được gắn các tấm thạch cao nhỏ, nếu các tấm thạch cao bị nứt vỡ, chứng tỏ vết nứt phát triển. Tuy nhiên, hiện các tấm thạch cao không bị nứt, vỡ.
Điều này có nguy hại kết cấu hầm, an toàn khai thác như một số thông tin?
Các vết nứt chỉ tổn tại ở lớp vỏ hầm và lớp vỏ hầm này không phải là kết cấu chịu lực (bộ phận chịu lực là kết cấu neo, bê tông phun phía trong, vòm đá) mà là kết cấu chịu nén là phần để lắp đặt thiết bị, tạo thẩm mỹ cho hầm. Ngoài ra kết cấu này làm bằng bê tông thường nên khả năng chống nứt là không có. Do đó theo thời gian và tác động của yếu tố tự nhiên (nhiệt độ, độ ẩm) sẽ hình thành các vết nứt. Về bản chất, vết nứt chỉ nguy hiểm khi nó có vị trí và độ mở rộng nhất định đã được quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
PGS.TS Hoàng Hà |
Qua khảo sát thực tế bằng thiết bị tự động, hiện đại của CHLB Đức cũng như đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản và CHLB Đức, số lượng vết nứt nguy hiểm ở vỏ bê tông hầm Hải Vân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đang ở trạng thái chưa gây nguy hiểm trực tiếp cho kết cấu và người tham gia giao thông, và hiện đã được sửa chữa xong. Các vết nứt còn lại đều rất nhỏ và không ảnh hưởng đến sự an toàn của vỏ hầm và giao thông.
Tuy nhiên, vỏ hầm xuất hiện nhiều vết bong tróc với vệt đen kéo dài, điều này do đâu thưa ông?
Lớp vỏ hầm hiện được phủ lớp sơn epoxy từ năm 2005. Theo quy chuẩn, thời hạn sử dụng lớp sơn này chừng 5-7 năm, nhưng với 13 năm sử dụng, lớp sơn này đã lão hóa, cộng thêm tác động từ áp lực phun nước sịt rửa, vệ sinh hầm, một số vị trí có các vết nứt gây bong tróc lớp sơn, và lan rộng ở khu vực đầu hầm phía Bắc và phía Nam. Nếu không quan sát kỹ, người đi đường dễ bị nhầm giữa vết nứt và vết bong tróc sơn. Thực tế, các vết nứt vỏ hầm không phát triển nhưng hiện tượng bong tróc sơn khiến cho cảm quan vết nứt phát triển, dẫn đến lo ngại về an toàn của hầm. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định vết nứt đang được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hiện tượng phát triển, không xảy ra nguy cơ mất an toàn.
Vết nứt được đánh số ngày tháng và vết đen, bong tróc sơn (không có khe nứt) |
Vấn đề nổ mìn giai đoạn 2 có ảnh hưởng ra sao đến hầm hiện hữu?
Trước và trong quá trình thi công giai đoạn 2, nhà đầu tư đã làm việc với tư vấn của Hiệp hội Nổ mìn Việt Nam, tư vấn giám sát Cộng hòa liên bang Đức để thử nghiệm, nghiên cứu biện pháp nổ mìn và khẳng định biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho hầm Hải Vân 1, không phải là tác nhân gây nứt vỏ hầm... Sau gần 1 năm thi công nổ mìn đào mở rộng hầm Hải Vân 2 với tổng số hơn 1km (cả hai mũi 2 đầu hầm) chưa có bất kỳ vấn đề nào đối với các vết nứt hiện hữu trong hầm Hải Vân 1 và không có thêm vết nứt mới ở đây. Như vậy có thể khẳng định rằng biện pháp thi công đào mở rộng hiện nay cũng như hiện trạng kết cấu vỏ hầm Hải Vân 1 là đảm bảo an toàn cho việc sử dụng liên tục công trình này.
Theo ông cần xử lý vết nứt, bong tróc thế nào?
Hiện nay đang thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 nên chưa phù hợp để xử lý dứt điểm các vết nứt. Do đó, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư thành lập tổ theo dõi, giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt, chặt chẽ các diễn biến vết nứt. Nếu có bất cứ vấn đề gì sẽ tiến hành thông báo, sửa chữa kịp thời. Đồng thời, Bộ GTVT tổ chức các đoàn kiểm tra, theo dõi độc lập về việc này. Tôi tán thành việc Bộ ra chỉ đạo không sơn phủ lại vỏ hầm Hải Vân hiện hữu kể cả những chỗ nứt và bong tróc sơn, dù có thể đáp ứng tính thấm mỹ, nhưng không thể quan sát, theo dõi một cách cụ thể, kịp thời và chính xác nhất các vấn đề liên quan độ ổn định vỏ hầm.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận