Hamas gật đầu, Israel nói không
Theo AP, Hamas bất ngờ chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn chỉ vài giờ sau khi Irael ra lệnh sơ tán khoảng 100.000 người Palestine khỏi khu vực phía Đông Rafah - dấu hiệu cho thấy Israel sắp đẩy mạnh tấn công thành phố này.
Ngày 6/5, Hamas ra tuyên bố: "Ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo văn phòng chính trị của phong trào Hamas, đã điện đàm với Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Bộ trưởng Tình báo Ai Cập Abbas Kamel để thông báo Hamas chấp thuận đề xuất ngừng bắn của hai nước này".
Song, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn mà Hamas đã chấp thuận "còn xa mới đáp ứng được những yêu cầu cốt lõi của Israel" và nước này vẫn sẽ cử đoàn đàm phán đến Ai Cập để thảo luận về thỏa thuận nói trên.
Hiện vẫn chưa rõ liệu đề xuất mà Hamas chấp thuận có khác biệt nhiều so với những gì Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang hối thúc nhóm phiến quân này chấp thuận từ tuần trước mà theo ông Blinken bao gồm những nhượng bộ quan trọng từ phía Israel hay không.
Nhưng giới chức Ai Cập hé lộ, đề xuất mới sẽ kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhiều giai đoạn, bắt đầu bằng việc Hamas từng bước trao trả con tin để đổi lấy việc quân đội Israel rút một phần binh sĩ khỏi Dải Gaza. Cả hai bên cũng đàm phán về giải pháp hoà bình lâu dài trao trả toàn bộ con tin và Israel rút phần lớn binh sĩ khỏi Dải Gaza.
Áp lực của chính phủ Israel
Giới chức Israel đã nhiều lần từ chối đề xuất này và tuyên bố sẽ đẩy mạnh chiến dịch quân sự cho đến khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn sau khi phong trào này tấn công các mục tiêu ở Israel hôm 7/10 năm ngoái gây tổn thất nghiêm trọng cho Israel.
Hiện Thủ tướng Netanyahu đang phải chịu áp lực mạnh mẽ từ những chính trị gia theo đường lối cứng rắn trong liên minh chính quyền Israel, yêu cầu phải tấn công vào Rafah và đe dọa sẽ khiến chính quyền của ông sụp đổ nếu ký vào thỏa thuận ngừng bắn.
Mặt khác, Thủ tướng Israel phải đối mặt với áp lực từ làn sóng biểu tình của thân nhân con tin yêu cầu chính phủ tìm cách giải thoát các nạn nhân.
Giới chức Israel tuyên bố Rafah là thành trì quan trọng cuối cùng của Hamas ở Gaza và Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh cuộc tấn công vào thành phố này là rất quan trọng để đảm bảo rằng phiến quân Hamas không thể gây dựng lại lực lượng.
Từ phía Mỹ, nước đồng minh bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu và nhắc lại lo ngại của Mỹ về việc Israel tấn công Rafah. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố giới chức Mỹ đang xem xét lại phản ứng của Hamas và "thảo luận về vấn đề này với các đối tác trong khu vực".
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo cuộc tấn công Rafah sẽ khiến cho số dân thường thiệt mạng tăng cao so với con số 34.700 người hiện tại, khoảng 2/3 trong số này là phụ nữ và trẻ em. Đó là chưa kể đến khoảng 80% trong tổng số 2,3 triệu người đang sinh sống ở Rafah đã mất nhà cửa và hàng trăm nghìn người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận