Hồ sơ tài liệu

Hamas - nhóm vũ trang vừa đột kích Israel hoạt động như thế nào?

08/10/2023, 11:04

Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas nắm quyền tiếp quản Dải Gaza từ cuộc bầu cử năm 2006, từ đó đến nay vẫn luôn duy trì lập trường cứng rắn chống lại Israel.

Hamas hình thành như thế nào?

Theo Hội đồng Đối ngoại (CFR), Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas là một trong hai đảng chính trị lớn của vùng lãnh thổ Palestine. Bên cạnh vai trò quản trị hơn 2 triệu người Palestine ở Dải Gaza, nhóm này còn được biết đến với cuộc chiến dai dẳng chống lại Israel.

Hàng chục quốc gia đã coi Hamas, đặc biệt là lực lượng quân sự của tổ chức này, là một thực thể khủng bố.

Đảng chính trị lớn còn lại của người Palestine là Fatah, với đại diện là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đang quản trị ở Bờ Tây. Sự chia rẽ của 2 lực lượng này về con đường độc lập cho Palestine (giữa bạo lực của Hamas và phi bạo lực của Fatah) cùng thái độ thù địch lâu năm của Hamas đối với Israel đã làm giảm triển vọng ổn định ở Gaza.

Hamas - Nhóm vũ trang vừa đột kích Israel hoạt động như thế nào?  - Ảnh 1.

Các tay súng Hamas (Ảnh: Reuters).

Hamas, từ viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiya ("Phong trào kháng chiến Hồi giáo"), được ông Sheikh Ahmed Yassin, một giáo sĩ người Palestine và cũng là một nhà hoạt động của nhóm Muslim Brotherhood, thành lập.

Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ông Sheikh Ahmed Yassin bắt đầu truyền đạo và tiến hành các hoạt động từ thiện tại dải Gaza và khu Bờ Tây (lúc đó đang bị Israel chiếm đóng sau cuộc Chiến tranh bảy ngày năm 1967).

Năm 1973, ông Yassin lập ra Trung tâm Hồi giáo để điều phối các hoạt động chính trị của Muslim Brotherhood tại Gaza.

Sau khi phong trào kháng chiến chống Israel lần thứ nhất (Intifada) của người Palestine bùng nổ, vào tháng 12/1987, ông Yassin thành lạp Hamas nhằm tạo thêm phương tiện chính trị cho Muslim Brotherhood tại khu vực.

Năm 1988, Hamas đưa ra Tuyên ngôn đầu tiên, chính thức tách khỏi đường lối hoạt động phi bạo lực của Muslim Brotherhood, kêu gọi tiêu diệt Israel và thành lập một xã hội Hồi giáo ở Palestine.

Hamas lần đầu tiên thực hiện đánh bom liều chết vào tháng 4 năm 1993 - 5 tháng trước khi cố lãnh đạo PLO Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký Hiệp định Oslo.

Hiệp ước lịch sử này chưa bao giờ được thực hiện dù hướng tới thiết lập chính quyền tự trị hạn chế cho các khu vực ở Bờ Tây và Gaza. Hamas lên án hiệp định này và sự công nhận lẫn nhau của PLO và Israel. Năm 1997, Mỹ đã liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.

Hệ thống lãnh đạo của Hamas

Hamas có một hệ thống cơ quan thực hiện nhiều chức năng chính trị, quân sự và xã hội khác nhau. Một nhóm tư vấn tổng thể, thường được gọi là Bộ Chính trị, đặt ra chính sách chỉ đạo chung cho các cơ quan này. Nằm dưới các cơ quan chức năng là nhiều ủy ban địa phương, quản lý các vấn đề cơ sở ở Gaza và Bờ Tây.

Trong Bộ Chính trị, cựu Thủ tướng Chính phủ Palestine Ismail Haniyeh nắm chức lãnh đạo về chính trị, thay thế cho lãnh tụ tối cao Khaled Meshaal vào năm 2017.

Nếu như các nhân vật trong Bộ Chính trị thường chỉ đạo từ nước ngoài, thì hoạt động quản trị ở Gaza do Yahya Sinwar, người trước đây đứng đầu cánh quân sự của Hamas, phụ trách.

Sinwar nằm trong số hơn một nghìn tù nhân Palestine được trả tự do vào năm 2011 để đổi lấy một binh sĩ Israel bị Hamas bắt giữ.

Về "cánh tay" quân sự của Hamas, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam hiện do 2 tướng lĩnh Marwan Issa và Mohammed Deif chỉ huy.

Ngoài ra, Hamas được cho là có các cơ sở tại nước ngoài. Ông Saleh al-Arouri được cho là người đứng đầu chi nhánh Lebanon của Hamas.

Hamas được tài trợ như thế nào?

Sau khi bị coi là một tổ chức khủng bố, Hamas không được nhận sự hỗ trợ chính thức mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cung cấp cho PLO ở Bờ Tây.

Trong lịch sử, những người Palestine xa xứ và các nhà tài trợ tư nhân ở Vịnh Ba Tư đã cung cấp phần lớn tài chính cho Hamas. Ngoài ra, một số tổ chức từ thiện Hồi giáo ở phương Tây được cho là đã chuyển tiền cho các nhóm dịch vụ xã hội được Hamas hậu thuẫn.

Trên thực tế, tình hình kinh tế của Gaza rất tồi tệ. Ai Cập và Israel phần lớn đã đóng cửa biên giới với Gaza vào năm 2006– 2007, hạn chế việc di chuyển hàng hóa và người vào/ra khỏi vùng lãnh thổ.

Hai nước cũng duy trì phong tỏa, cắt đứt liên kết giữa Gaza với hầu hết thế giới và buộc hơn 1 triệu người Palestine ở Gaza phải dựa vào viện trợ quốc tế.

Israel cho phép Qatar cung cấp hàng trăm triệu USD viện trợ cho khu vực này thông qua Hamas. Các viện trợ nước ngoài khác thường đến Gaza thông qua các cơ quan của chính quyền Palestine (PA) và Liên hợp quốc.

Trong nhiều năm chịu đựng phong toả, doanh thu của Hamas đến từ việc đánh thuế hàng hóa di chuyển qua mạng lưới đường hầm phức tạp vượt qua Ai Cập vào Gaza. Con đường này đã đưa các mặt hàng chủ lực như thực phẩm, thuốc men và khí đốt giá rẻ để sản xuất điện, cũng như vật liệu xây dựng, tiền mặt và vũ khí, vào vùng lãnh thổ này.

Sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi lên nắm quyền vào năm 2013, Cairo có lập trường cứng rắn hơn với Hamas và quân đội Ai Cập đã đóng cửa hầu hết các đường hầm này.

Phải đến năm 2018, Ai Cập mới bắt đầu cho phép một số hàng hóa thương mại vào Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Salah al-Din. Tính đến năm 2021, Hamas được cho là đã thu tới 12 triệu USD mỗi tháng từ thuế đối với hàng hóa Ai Cập nhập khẩu vào Gaza.

Ngày nay, Iran là một trong những bên hỗ trợ lớn nhất của Hamas, đóng góp kinh phí, vũ khí và huấn luyện.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước ủng hộ mạnh mẽ khác, đặc biệt là về mặt chính trị, cho Hamas sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan – người có quan điểm đối lập với Israel - lên nắm quyền vào năm 2002.

Sự đối đầu dai dẳng của Hamas và Israel

Hamas bắt đầu bắn tên lửa và súng cối vào Israel sau khi nhóm này kiểm soát Gaza.

Sau khi có một số loại vũ khí từ Iran và được huấn luyện với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các lực lượng ủy nhiệm, Hamas đã có khả năng tự chế tạo tên lửa.

Ngoài ra, các chiến binh Hamas đã thả bóng bay mang theo thiết bị gây cháy về phía Israel, đôi khi gây ra hỏa hoạn. Nhóm này cũng đã thực hiện các cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Israel, nổi tiếng nhất là vụ bắt cóc binh sĩ Israel Gilad Shalit vào năm 2006.

Hamas - Nhóm vũ trang vừa đột kích Israel hoạt động như thế nào?  - Ảnh 3.

Khói lửa ở Gaza sau khi Israel phát động tấn công trả đũa Hamas hôm 7/10 (Ảnh: Reuters)

Cam kết của Hamas về thực hiện cuộc kháng chiến vũ trang chống lại Israel đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều người dân.

Vào tháng 5/2021, Hamas và Israel bước vào cuộc xung đột đẫm máu nhất trong vòng 6 năm qua. Sau nhiều tuần căng thẳng giữa người Palestine và người Israel ở Jerusalem, Hamas đã bắn tên lửa vào Israel. Một số nhà phân tích nói rằng Hamas muốn củng cố danh tiếng của mình với tư cách là người bảo vệ chính nghĩa của người Palestine.

Trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày năm 2021, Hamas và lực lượng Thánh chiến Jihad Palestine PIJ đã bắn hơn 4.000 quả tên lửa từ Gaza, khiến 10 thường dân Israel thiệt mạng và làm bị thương hơn 300 người khác.

Đáp trả, Israel đã thực hiện nhiều cuộc không kích và giết chết hơn 200 thường dân Palestine và gây ra thiệt hại trị giá hơn 290 triệu USD ở Gaza. Mỹ và Ai Cập đã đứng ra làm trung gian ngừng bắn giữa hai bên.

Trong bối cảnh bạo lực Israel-Palestine ngày càng gia tăng, Hamas đã cùng Fatah và một số phe phái Palestine khác thành lập ủy ban hòa giải vào tháng 7/2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán uỷ ban này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả do Hamas không nhận được sự nhượng bộ đáng kể từ cả Israel và các cường quốc.

Ví dụ, Bộ Tứ (Trung Đông) gồm các hòa giải viên quốc tế là Nga, Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu (EU), khẳng định bất kỳ chính phủ Palestine nào có sự tham gia của Hamas chỉ có thể có được sự công nhận và viện trợ quốc tế nếu Hamas công nhận Israel, từ bỏ bạo lực và chấp nhận thực hiện các thỏa thuận quốc tế, theo CFR. 

Hamas đột kích Israel

Sáng 7/10, thủ lĩnh lực lượng quân sự của phong trào Hamas, Mohammed al-Deif, tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự mới mang tên "Al-Aqsa Storm" chống lại Israel.

Nhóm này cho biết đã phóng hơn 5.000 quả rocket trong khoảng 20 phút nhằm vào các vị trí quân sự, sân bay của đối phương.

Tiếng báo động đã vang lên liên tục ở các khu vực phía Nam xung quanh Gaza và ở khu vực Tel Aviv rộng lớn hơn vào rạng sáng 7/10.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận những gì vừa xảy ra là "chưa từng thấy ở Israel" và tuyên bố: "Chúng tôi sẽ trả thù mạnh mẽ cho ngày đen tối này…"



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.