Trong thời gian từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 đến nay, ngoại trừ bệnh nhân được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng để đi cứu chữa, thì yêu cầu cơ bản để đối tượng được phép lưu thông đều đảm bảo “an toàn về dịch bệnh”, tức là “âm tính với virus SARS-CoV-2”.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện tại chốt trên tuyến QL32, đầu cầu Trung Hà giáp ranh TP Hà Nội - Phú Thọ. Ảnh: Tạ Hải
Theo quy định về các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau, dẫn đến yêu cầu kiểm soát dịch khác nhau giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ngay giữa các địa phương cấp huyện, xã trong cùng một tỉnh.
Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy hình thành các chốt kiểm dịch trên đường, đây chính là các “điểm thắt cổ chai tạm thời” về năng lực thông hành.
Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù ngay tại địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 hoặc giữa các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và các địa phương có cấp độ phòng, chống dịch khác nhau, tuy số đối tượng tham gia giao thông giảm đến 80 - 90%, hầu như chỉ còn phương tiện vận chuyển hàng hóa, xe công vụ và chuyên dụng, nhưng vẫn xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ do hoạt động kiểm soát dịch tại các chốt.
Sau khi Bộ GTVT triển khai áp dụng Giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa gắn mã QR Code cho xe ô tô tải, nhằm giảm thiểu thời gian qua chốt kiểm soát, tình hình ùn tắc giao thông cơ bản được khắc phục.
Tuy nhiên, khi cho phép vận tải hành khách và giao thông cá nhân hoạt động trở lại, lưu lượng phương tiện giao thông sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, số lượng đối tượng cần phải kiểm soát dịch cũng sẽ nhiều hơn, nếu tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát trên đường thì nguy cơ ùn tắc giao thông là khó tránh.
Vì vậy, cần xem xét, thay đổi phương pháp khoanh vùng chống dịch làm sao để diện tích và số đối tượng trong khu vực phong tỏa càng ít càng tốt, phong tỏa theo từng căn nhà, từng tòa nhà, từng phân xưởng… hạn chế tới mức thấp nhất việc phong tỏa cả khu phố, cả một phường, một quận hay cả một nhà máy, một khu, cụm công nghiệp.
Các địa phương cần giảm thiểu số lượng chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông, hạn chế thấp nhất việc lập chốt kiểm soát dịch đối với người và phương tiện trên đường, tăng cường kiểm soát dịch tại các điểm đầu, cuối hành trình (nhà ga, bến cảng, bến xe, kho bãi, điểm tập kết hành khách, hàng hóa…).
Trong trường hợp bắt buộc phải duy trì hoạt động kiểm soát tại các chốt trên đường thì cần đảm bảo có thể giám sát tự động các thông tin phòng dịch của đa số đối tượng tham gia giao thông, khi có dấu hiệu vi phạm thì phải hướng dẫn phương tiện vào vị trí kiểm tra không gây ảnh hưởng giao thông hoặc thông tin cho lực lượng kiểm tra lưu động.
Để thực hiện được mục tiêu trên thì cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một ứng dụng kiểm soát dịch duy nhất, với sự hoàn chỉnh, liên thông về dữ liệu (dữ liệu dân cư, dữ liệu xét nghiệm SARS-CoV-2, dữ liệu tiêm chủng vaccine, dữ liệu về tình trạng bệnh lý - F0 đã khỏi bệnh)… để đảm bảo kiểm soát được tính chính xác khi kê khai thông tin của người tham gia giao thông cũng như giúp cho kết quả chính xác, nhanh chóng khi giám sát tự động tại các chốt kiểm soát trên đường, điểm ra/vào công trình dân dụng, cảng, nhà ga, sân bay, bến xe.
Khi dữ liệu đã sẵn sàng và liên thông thì với phương tiện vận tải hành khách chỉ nên cấp 1 mã QR Code duy nhất trong suốt thời gian áp dụng, chủ phương tiện chịu trách nhiệm cập nhật thông tin khi thay đổi lái xe và người đi trên xe, dữ liệu mỗi lần cập nhật sẽ được lưu lại để phục vụ công tác hậu kiểm, truy vết khi cần.
Như vậy, khi qua chốt hoặc cổng kiểm soát có thiết bị quét QR Code dán trên kính xe thì toàn bộ danh sách người trên xe và những thông tin cần kiểm tra sẽ hiển thị nhanh chóng, tránh được việc cả chục hành khách phải xuống xe để quét dữ liệu hay kiểm tra giấy tờ, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông.
Khuất Việt Hùng
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận