Theo trang tin Sixth Tone, văn hóa đại chúng Hàn Quốc chiếm một vị trí độc nhất tại Trung Quốc, nơi sự phát triển của nó phù hợp với sự phát triển kinh tế và nhu cầu giải trí đại chúng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ngôi sao K-pop Jay Park. (Ảnh: duree la)
Khi ngôi sao K-pop Jay Park chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn tại một hộp đêm ở Thượng Hải vào tháng 5 vừa qua, cả khán phòng đã rất háo hức chờ đợi. Các video về màn trình diễn của Park lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gần như ngay lập tức, được chia sẻ hết từ người hâm mộ K-pop này đến người hâm mộ khác.
Học giả Brian Yecies từng viết rằng: "Kinh nghiệm toàn cầu và thành công của Hàn Quốc với sức mạnh mềm mang thương hiệu của riêng mình đã là công cụ phát triển mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc".
Hallyu - sức mạnh văn hóa của Hàn Quốc
Thật vậy, vào đầu những năm 2010, ảnh hưởng của Hàn Quốc đã lan rộng khắp nơi trong văn hóa đại chúng Trung Quốc, từ âm nhạc đến truyền hình và điện ảnh. Hanliu - thuật ngữ tiếng Trung để gọi làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc này - thậm chí còn quay trở lại trong tiếng Hàn với tên gọi Hallyu - hiện là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để chỉ sức mạnh văn hóa của Hàn Quốc.
Trong giới học thuật, làn sóng văn hóa như làn sóng Hallyu thường được coi là nhất thời. Nhưng một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của văn hóa đại chúng Hàn Quốc, và đặc biệt là văn hóa trên màn ảnh, là khả năng phục hồi của nó. Hallyu đã tồn tại ở Trung Quốc qua nhiều thời kỳ.
Sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng Hàn Quốc vào đầu những năm 1990 tình cờ đến đúng thời điểm trong quá trình phát triển của Trung Quốc. Truyền hình ngày càng trở thành một kênh truyền thông quan trọng ở Trung Quốc sau năm 1987, trong khi quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường bắt đầu từ năm 1992 đã tạo tiền đề cho việc nhập khẩu các chương trình truyền hình phổ biến từ các nơi khác ở châu Á.
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên du nhập vào Trung Quốc một năm sau đó, tiếp theo là những bộ phim làm thỏa mãn số đông khán giả như "What is Love" (tạm dịch: Tình yêu là gì), "Star in My Heart" (Ước mơ vươn tới một ngôi sao) và "Model" (Người mẫu).
Hình ảnh trong phim "What is Love" (trái) và "Star in My Heart" (phải). Nguồn: Douban
Vào những năm 2010, những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất của làng giải trí Trung Quốc, từ chương trình tạp kỹ ăn khách "Hurry Up, Brother" (Chạy nhanh nào, anh em) đến chương trình dành cho gia đình nổi tiếng "Where Are We Going, Dad?" (Bố ơi mình đi đâu thế?) và chương trình thực tế về chủ đề quân sự "Takes a Real Man" (Người đàn ông chân chính)… đều bắt nguồn từ Hàn Quốc.
Theo trang tin Sixth Tone, khoảng thời gian trao đổi văn hóa này đột ngột dừng lại vào năm 2016. Phải mất gần 5 năm trước khi một bộ phim Hàn Quốc khác được chiếu ở Trung Quốc, 6 năm trước khi một bộ phim truyền hình Hàn Quốc khác được công chiếu trên nền tảng trực tuyến ở Trung Quốc, và thậm chí còn lâu hơn nữa trước khi những ca sĩ như Jay Park bắt đầu quay trở lại.
Tuy nhiên, việc vay mượn ý tưởng vẫn tiếp tục, mặc dù không phải lúc nào cũng có bản quyền. Ví dụ: cuộc thi nhạc rap "The Rap of China" (Nhạc rap Trung Quốc) do iQiyi sản xuất có sự tương đồng rõ ràng với "Show Me the Money" (Hãy chỉ giúp tôi tiền đi đâu) của Hàn Quốc, trong khi chương trình tạp kỹ lấy bối cảnh nông thôn "Back to Field" (Hướng về cuộc sống) của Trung Quốc trông khá giống với chương trình "Three Meals a Day" (Ngày ba bữa) của Hàn Quốc.
Trào lưu ngầm
Theo trang tin Sixth Tone, khác với sự cuồng nhiệt trước đây của Trung Quốc đối với những bộ phim hay âm nhạc Hàn Quốc, sự phổ biến của các phiên bản Trung Quốc làm lại các chương trình truyền hình Hàn Quốc đại diện cho một biểu hiện mới, yên tĩnh hơn nhưng không kém phần quan trọng của làn sóng Hallyu, đó là một trào lưu ngầm của sự hiện diện văn hóa Hàn Quốc tại Trung Quốc.
Hallyu phổ biến khắp nơi và đã định hình lại các đường nét văn hóa trên màn ảnh Trung Quốc, đến nỗi nguồn gốc Hàn Quốc của chúng không được chú ý, cho phép chúng tiếp tục tạo ảnh hưởng, mặc dù dưới một tên gọi khác.
Ví dụ điển hình của quá trình này có thể là "Hurry Up, Brother". Bản làm lại được cấp phép chính thức từ sê-ri chương trình "Running Man" (Chơi là chạy) nổi tiếng của Hàn Quốc. Sự xuất hiện của nó trên màn ảnh Trung Quốc vào năm 2014 đã thay đổi ngành công nghiệp truyền hình Trung Quốc.
Hình ảnh quảng cáo cho chương trình "Running Man" tại Hàn Quốc (trái) và tại Trung Quốc (phải). Nguồn: Douban
Theo các phân tích của Hàn Quốc, "Hurry Up, Brother" thành công tại Trung Quốc là do đã nhấn mạnh vào địa điểm ngoài trời, các cảnh quay không theo kịch bản, đây là là ưu thế tuyệt đối so với các chương trình truyền hình khác tại Trung Quốc vào thời điểm đó.
Trước khi chương trình này ra mắt, truyền hình thực tế Trung Quốc bị chi phối bởi những nội dung nghiêm túc hơn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Còn "Hurry Up, Brother" ngẫu hứng, nhẹ nhàng, đã đánh trúng tâm lý mong đợi một chương trình mang tính giải trí và ít mô phạm hơn của khán giả Trung Quốc.
Theo trang tin Sixth Tone, xu hướng này thể hiện rõ ràng không chỉ trong việc Trung Quốc làm lại các chương trình tạp kỹ Hàn Quốc, mà còn trên nhiều chương trình Trung Quốc, bao gồm cả những thể loại vốn nổi tiếng ít thay đổi như khảo cổ học. Chẳng hạn, như một phần trong việc Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận lịch sử của mình, chương trình "National Treasure" (Kho báu quốc gia) lên sóng năm 2017 đã trở thành chương trình đầu tiên do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sản xuất kết hợp học thuật nghiêm túc với giọng điệu hài hước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận