Tuần trước, hãng hàng không Korean Air thông báo Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã chọn Korean Air làm đối tác trong dự án phát triển phi đội phương tiện bay không người lái tàng hình của cơ quan này.
“ADD bắt đầu phát triển phi đội UAV vào tháng 11 năm ngoái và đã hoàn tất thiết kế cơ bản. Cơ quan này có kế hoạch hợp tác phát triển thiết kế chi tiết với Korean Air”, theo nội dung thông báo của Korean Air.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ phát triển hệ thống phi đội gồm máy bay có người lái và máy bay không người lái, trong đó 1 máy bay có người lái được hộ tống bởi 3-4 UAV tàng hình để thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Tác chiến trên không, trinh sát, tấn công.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc bắt đầu phát triển phi đội UAv từ tháng 11/2021.
Theo Korean Air, phi đội UAV không chỉ hỗ trợ và hộ tống máy bay có người lái mà còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ riêng như trinh sát, chiến thuật gây nhiễu điện tử và tấn công chính xác.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine cho thấy UAV đã trở thành phần không thể thiếu trong chiến sự hiện đại như trong cả hai bên Nga và Ukraine sử dụng hàng nghìn UAV quân sự để tấn công mục tiêu.
Ông Shin Jong-woo, nhà phân tích quốc phòng tại Diễn đàn Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng UAV sẽ đóng vai trò quyết định trong mỗi cuộc chiến và tất cả quốc gia bao gồm các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga đều đang phát triển các hệ thống phi đội gồm cả máy bay không người lái và có người lái.
Hàn Quốc đã phát triển UAV bao gồm trực thăng tấn công không người lái và máy bay trinh sát từ thập kỷ trước. Tuy nhiên, ông Shin cho rằng việc phát triển hệ thống phi đội gồm máy bay có người lái và không người lái độ phức tạp cao cần tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến và phần mềm phức tạp, do đó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực.
Nhà phân tích quốc phòng Lee Il-woo thuộc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết khái niệm máy bay không người lái hộ tống máy bay có người lái trong nhiệm vụ tác chiến đã được quan tâm trên toàn cầu.
Chương trình Skyborg của Lực lượng Không quân Mỹ cũng nhằm phát triển máy bay không người lái hỗ trợ máy bay chiến đấu có người lái. Theo ông Lee, các máy bay không người lái như Kratos XQ-58 Valkyrie và Boeing Australia MQ-28 Ghost Bat được phát triển dựa trên khái niệm này.
Ông Lee nhận định Hàn Quốc sẽ đạt nhiều lợi ích khi đưa vào sử dụng UAV trên quy mô lớn bởi quốc gia này chưa có phương tiện của riêng mình nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ chống máy bay của Triều Tiên và Hàn Quốc đang phải dựa vào Mỹ về phương diện này.
Theo ông Lee, sử dụng UAV không đòi hỏi mất nhiều năm huấn luyện phi công và chi phí bảo trì thấp. Khi làm nhiệm vụ, máy bay không người lái có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở đằng trước trong khi máy bay có người lái có thể hoạt động an toàn hơn ở phía sau và sử dụng UAV cũng tăng phạm vi vận hành trong những lần thực hiện nhiệm vụ của lực lượng không quân.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng cần ít nhất 10 năm nữa để Hàn Quốc có thể kết hợp máy bay chiến đấu có người lái KF-21 với UAV để tạo thành hệ thống phi đội máy bay có người lái và không người lái. Trong khi đó, Mỹ chỉ cần vài năm nữa là có thể kết hợp máy bay tàng hình F-35 với UAV.
Hàn Quốc đang sở hữu 40 tiêm kích F-35A và sẽ mua thêm 20 chiếc nữa từ Mỹ trong dự án F-X (mua tiêm kích tàng hình của nước ngoài trong giai đoạn 2023-2028).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận