Thế giới

Hàn Quốc điều tra tướng quân đội đối xử binh sĩ như nô lệ

11/08/2017, 10:05

Chuyện ngược đãi, lạm quyền và hống hách với binh sĩ trong quân đội Hàn Quốc đang trở thành đề tài nóng...

20

Quân đội Hàn Quốc có hệ thống quy định đặc biệt cho phép phân công các binh sĩ đi nghĩa vụ quân sự phục vụ trong nhà của các chỉ huy

Chuyện ngược đãi, lạm quyền và hống hách với binh sĩ trong quân đội Hàn Quốc đang trở thành đề tài nóng của dư luận nước này khi câu chuyện về các binh sĩ trẻ tuổi bị gia đình một vị tướng 4 sao ngược đãi vỡ lở. 

Bị giám sát bằng vòng điện tử, làm việc 24/7

Năm 2015, một cựu chỉ huy trong Không quân Hàn Quốc là Choi Cha-kyu đã buộc phải từ chức vì cáo buộc bắt binh sĩ giúp việc đưa con trai tới câu lạc bộ tại Seoul. Và ngay đầu tháng 8 này, dư luận Hàn Quốc dậy sóng vì câu chuyện phu nhân một vị tướng 4 sao của quân đội Hàn Quốc đối xử với binh lính giúp việc như nô lệ, do một tổ chức về nhân quyền địa phương phơi bày, Korean Herald cho biết. 

Hãng Yonhap cho hay, Kwon Tae-jin (không phải tên thật), một chàng trai vừa hoàn thành năm đầu tại một trường đại học danh tiếng ở Seoul, đã gia nhập Hải quân Hàn Quốc với hy vọng sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự ở khu vực biển. Sau 6 tháng tham gia huấn luyện quân sự cơ bản và 6 tháng khác phục vụ trong doanh trại, Kwon được thăng cấp lên thủy thủ và chờ phân công nhiệm vụ.

Nhưng chàng thanh niên 20 tuổi không hề biết nhiệm vụ anh phải đối mặt lại là… giúp việc tại nhà chỉ huy. “Tôi bị đối xử giống như người hầu, phải lau nhà, lấy đồ giặt, dọn vườn... Tôi thậm chí còn phải dạy học cho con vị tướng và dịch luận văn sang tiếng Anh cho ông ta”, Kwon nhớ lại những ngày phục vụ trong nhà 1 sỹ quan cấp tướng. 

Nghe đến đây, nhiều người tưởng câu chuyện của Kwon chỉ là hi hữu nhưng thực chất đây là điển hình của một bộ phận binh lính được gọi là “lính giúp việc tại nhà chỉ huy” - một quy định đã tồn tại rất lâu trong quân đội Hàn Quốc.

Theo Trung tâm về Nhân quyền quân đội Hàn Quốc, các binh sĩ giúp việc tại nhà cho Tướng Park Chan-ju, Tư lệnh Bộ Chỉ huy tác chiến số 2 của quân đội Hàn Quốc phải trực 24/7, đeo khóa tay điện tử để gia đình tướng tiện gọi. Một trong số các binh sĩ bị cưỡng ép phải tham gia cầu nguyện tại nhà thờ dù anh theo đạo Phật. Có lúc, họ còn bị vợ Tướng Park bắt hạ mình nhặt móng chân, da chết vương vãi trên ghế sofa sau khi bà chăm sóc móng. Các binh sĩ phải bắt đầu làm việc từ 6h sáng khi vị tướng đi cầu nguyện vào sáng sớm đến 22h khi tướng đi ngủ - trung tâm này cho biết. 

Trong một thông báo, Trung tâm về Nhân quyền quân đội Hàn Quốc nhận định: “Bắt binh sĩ phải sử dụng phòng tắm riêng, đeo vòng tay điện tử cho thấy, gia đình ông Park đối xử với các binh sĩ này như nô lệ. Các binh sĩ bị hạn chế ra khỏi khu vực nhà ở của tướng nên rất khó để báo cáo tình hình ngược đãi mà họ phải gánh chịu”. 

Một ngày sau khi trung tâm công bố báo cáo, ông Park đã lên tiếng xin giải ngũ và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lập tức mở cuộc điều tra quân sự với ông Park và vợ. Đồng thời, Bộ Quốc phòng từ chối đề nghị giải ngũ của ông Park đến khi hoàn tất điều tra - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Moon Sang-kyun cho biết.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo khẳng định, sẽ kiên quyết cải tổ hệ thống “binh sĩ giúp việc”. Ông đề ra giải pháp sẽ thuê nhân lực dân sự để làm công việc này thay vì phân công cho binh sĩ như trước đây. Để làm gương, Tướng Song sẽ không sử dụng binh sĩ giúp việc tại nơi ở của mình. Cùng lúc, quân đội Hàn Quốc tiến hành điều tra tại chỗ về hoạt động của hệ thống binh lính làm nhiệm vụ tại nơi ở của các chỉ huy. Hiện, có hơn 100 lính đang làm nhiệm vụ ở khoảng 90 nơi ở của các chỉ huy quân sự trên toàn Hàn Quốc.

Quy định có một không hai

Thực tế, quân đội Hàn Quốc có hệ thống quy định đặc biệt cho phép phân công các binh sĩ đi nghĩa vụ quân sự phục vụ trong nhà của các chỉ huy. Đàn ông tại Hàn Quốc bắt buộc phải đi nghĩa vụ quân sự, hầu hết ở độ tuổi 20 và phục vụ trong quân đội khoảng 21-24 tháng. 

Không giống như hầu hết các binh lính phục vụ tại doanh trại quân đội, các binh sĩ giúp việc tướng lĩnh phải dành phần lớn thời gian tại nơi ở của chỉ huy quân sự. Phần lớn các binh sĩ này được tuyển khi họ lần đầu tiên được thăng chức lên cấp cao hơn, thường sau 6 tháng đầu tiên kể từ khi nhập ngũ. 

Vì phải làm việc với chỉ huy cấp cao gần như tất cả các ngày nên các binh lính giúp việc tại nhà chỉ huy sẽ do các sĩ quan phụ tá lựa chọn, giữa những người có đào tạo về chuyên ngành quản trị hành chính - giới chức quân đội cho biết. “Mỗi quân đội trên toàn thế giới đều có một hệ thống giúp việc truyền tải thông tin hoặc giúp việc hành chính thay mặt chỉ huy quân sự”, một đại tá Không quân đã về hưu giấu tên cho biết. Vấn đề ở chỗ, trên thực tế, công việc mà các binh sĩ được giao không liên quan tới các nhiệm vụ đó mà thường là việc vặt, việc cá nhân - vị đại tá chia sẻ và cho biết thêm, quân đội chưa có quy định nào quản lý về vai trò của các binh sĩ giúp việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.