Hội thảo thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách đầu tư PPP hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt |
Sáng nay (16/11), Cục Đường sắt VN đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo về chính sách đường sắt (lần thứ 4) về hình thức hợp tác đầu tư đối tác công–tư (PPP).
Đây là một trong các hoạt động của Dự án Đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT (Dự án DEEP) - dự án được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA, trong đó bao gồm tư vấn để thực hiện hợp tác đối tác công – tư (PPP) các dự án KCHTGT; Tư vấn về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đường sắt; Thực hiện chương trình phát triển năng lực trong lĩnh vực đường sắt.
Tại hội thảo, ông Vũ Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Bộ GTVT cho biết, hành lang pháp lý cho các dự án PPP tại Việt Nam chưa đầu đủ. Cơ chế chính sách, quản lý, hình thức đầu tư… còn bất cập nên chưa kêu gọi được nhà đầu tư và tổ chức tài chính nước ngoài. Giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT chiếm khoảng 90,2% với 59 dự án. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT, tuy nhiên con số này chủ yếu là dự án lĩnh vực đường bộ…
Riêng lĩnh vực đường sắt, chưa có hình thức đầu tư theo PPP. Hiện Bộ GTVT đang triển khai 3 dự án như: Nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt- Trại Mát; Di dời ga Đà Nẵng; Đầu tư đường sắt Yên Viên – Lào Cai – Hà Khẩu theo hình thức BLT (Xây dựng - cho thuê dịch vụ - chuyển giao). Các dự án này hiện gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế pháp lý.
Tiến sĩ Lee Jun, Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI) cho rằng, ngành đường sắt có đặc trưng là khó có thể đảm bảo tính kinh tế nếu chỉ dựa trên thu nhập từ việc vận chuyển, vì vậy cần việc thúc đẩy đưa nguồn vốn tư nhân vào dự án thông qua các mô hình lợi nhuận đa dạng.
“Cần chuẩn bị chế độ pháp luật để có thể xúc tiến dự án BTL đối với các dự án đường sắt quy mô lớn. Chuẩn bị chế độ hỗ trợ dự án tư nhân BT hoặc BOT rồi mở rộng sự tham gia của tư nhân vào các dự án BTL”, ông Lee nhấn mạnh và đề xuất thêm, cần lưu ý vấn đề chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hình thức đầu tư PPP, nhất là làm rõ yếu tố lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, khi đó mới thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận