Một phòng tổ chức bầu cử sớm tại Hàn Quốc |
Tân chủ nhân "Nhà xanh" được kỳ vọng sẽ đưa xứ sở Kim chi vượt qua hàng loạt thách thức “nặng ký” như vấn đề căng thẳng với Triều Tiên, mâu thuẫn về việc phản đối triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và một nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào các tập đoàn kinh tế lớn cần cải cách….
Vận động tranh cử theo phong cách K-pop
Cuộc đua vào vị trí Tổng thống Hàn Quốc ban đầu có 13 ứng viên nhưng đã có hai ứng viên rút lui. Trong số các ứng viên còn lại, có 5 người được dư luận Hàn quan tâm nhất. Theo khảo sát bầu cử mới được công bố cuối tuần qua, ứng viên dẫn đầu là ông Moon Jae-in đến từ Đảng Dân chủ tự do với 42,4% phiếu ủng hộ. Theo sau là hai ứng viên Ahn Cheol-soo đến từ đảng Nhân dân và ứng viên Hong Joon-pyo thuộc Đảng Hàn Quốc tự do cầm quyền. Cả hai đều có tỉ lệ ủng hộ 18,6%. Tiếp đến là ông Sim Sang-jeung đến từ đảng Tư pháp cấp tiến (với 7,3%). Đứng thứ 5 là ông Yoo Seong-min đến từ đảng Bareun với 4,9%.
Trong hai ngày bỏ phiếu sớm đầu tiên (5-6/5), cuộc bầu cử thu hút số lượng kỷ lục 11,07 triệu cử tri (tương đương 26,06% tổng số cử tri) đi bỏ phiếu. Con số này cho thấy người dân Hàn Quốc quan tâm tới người sẽ là chủ nhân Nhà Xanh hơn bao giờ hết trong bối cảnh chính trường Seoul rúng động vì bê bối Tổng thống bị cáo buộc tham nhũng và căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang…
Nếu nhìn vào cách vận động bầu cử của các ứng viên cũng như cách lựa chọn của cử tri, có thể thấy nổi lên sự chia rẽ và khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ cử tri Hàn Quốc. Trước hết, sự khác biệt này thể hiện rõ nhất qua cách thức ứng viên Tổng thống kêu gọi cử tri.
Trước đây, phần lớn các cuộc vận động tranh cử diễn ra trong không khí hô hào, trang trọng thì nay, cuộc vận động được tổ chức như những chương trình ca nhạc, nghệ thuật với sự tham gia của các ca sĩ, người nổi tiếng nhằm thu hút sự chú ý của người dân, nhất là giới trẻ.
Song, cách tiếp cận này phần lớn chỉ hút giới trẻ - những người lớn lên với làn sóng người nổi tiếng Hàn Quốc (Hallyu), còn không ít những cử tri thuộc thế hệ trung và lớn tuổi không hề mặn mà. Chẳng hạn, ông Oh In-kyu, một doanh nhân 50 tuổi chia sẻ: “Tôi không thích thế!”. Ông lựa chọn ứng viên dựa trên những kế hoạch mà họ đưa ra để thay đổi chính sách lao động của đất nước.
Lo kinh tế hơn mối đe dọa Triều Tiên
Sự khác biệt về thế hệ cũng thể hiện rõ trong quan điểm lựa chọn ứng viên của các cử tri Hàn. Theo hãng tin BBC, những cử tri trẻ không phải trải qua chiến tranh (cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953) và điều họ cảm thấy rõ nhất lúc này sự bất ổn về kinh tế. Do đó, họ cần một người giỏi lãnh đạo về kinh tế. Cô Lee Chae-rin, sinh viên Đại học Yonsei chia sẻ: “Người nước ngoài luôn hỏi chúng tôi cảm thấy thế nào trước mối đe dọa Triều Tiên nhưng thế hệ càng trẻ không lo lắng nhiều như thế hệ lớn tuổi”.
Bạn của Lee, cô Kim Tae-yeon cho rằng: “Ngày nay, Hàn Quốc đang trở nên giàu mạnh hơn nên cảm giác bất an rất khác so với thời ông cha chúng tôi. Trước đây, các thế hệ cha ông phải lo miếng cơm, manh áo. Dù kinh tế đã phát triển và đời sống thay đổi nhưng nay chúng tôi đang ở tình trạng kinh tế đình trệ và đó là điều chúng tôi lo lắng làm thế nào để thúc đẩy phát triển”. “Vấn đề của chúng tôi không phải là cái ăn mà là công việc. Không có công việc, chúng tôi sẽ không có chỗ đứng trong xã hội”.
Một số khác lo lắng về tình hình tham nhũng chính trị và mong muốn ứng viên Tổng thống mới có thể giải quyết triệt để điều này chứ không quan tâm quá nhiều tới mối đe dọa Triều Tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận