“Thó” cả dây đai an toàn
Ít ai ngờ dây đai an toàn cũng là mục tiêu "chôm chỉa” của không ít hành khách đi máy bay. Khá nhiều dây an toàn tại vị trí ghế ngồi bị thất lạc sau khi chuyến bay kết thúc. Cũng có trường hợp hành khách mượn đai nối dài dây, dây đai an toàn cho trẻ em nhưng không trả lại cho tiếp viên sau khi sử dụng.
Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, Vietnam Airlines phải chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 chiếc dây an toàn bị thất lạc.
Chuyến bay sẽ không được phép cất cánh nếu thiếu dây đai an toàn ở bất kỳ ghế ngồi nào, kể cả của tiếp viên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hãng hàng không sẽ phải dừng khai thác tàu bay để bổ sung, lắp đặt dây đai an toàn.
Máy bay ngừng khai thác nhiều ngày vì khách bỏ bỉm vào bồn cầu
Trao đổi với Báo Giao thông, một kỹ sư của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) tiết lộ khá nhiều nguyên nhân khiến nhà vệ sinh máy bay bị tắc. Theo kỹ sư này, thủ phạm gây ách tắc cũng rất đa dạng, từ khăn mặt, bỉm, cả cuộn giấy vệ sinh và thậm chí là vỏ các chai rượu mini…
“Việc thông các nhà vệ sinh dù mất thời gian, nhưng về kỹ thuật là không khó. Có điều, việc ách tắc nhà vệ sinh khi tàu bay đang bay sẽ gây khó chịu cho khách. Phía hãng hàng không, ngoài việc ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ, sau chuyến bay, tàu bay có nhà vệ sinh bị tắc còn phải dừng khai thác nhiều ngày chờ khắc phục, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt là trong mùa cao điểm hiện nay”, vị này cho hay.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, một tiếp viên hàng không nói: "Nhiều hành khách không quan tâm đến hướng dẫn của các hãng hàng không nên khi lên máy bay làm những việc bị cấm. Việc làm tắc nhà vệ sinh nêu trên là một ví dụ. Thực tế, trong hệ thống buồng vệ sinh máy bay luôn có những hướng dẫn cụ thể trên mỗi thiết bị như: nhấn nước ở đâu, bỏ giấy vào chỗ nào, lau tay xong khách nên để giấy lau vào thùng rác như thế nào, cho đến những chỗ như thay bỉm cho em bé hay hong khô tay… Tuy nhiên, vì nhiều lý do đôi khi hành khách “bỏ qua” những hướng dẫn rất chi tiết mà hãng đưa ra".
Áo phao cũng bị lấy trộm
Áo phao trang bị trên tàu bay với mục đích đảm bảo an toàn cho hành khách và hành khách chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của tiếp viên chuyến bay trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Tuy nhiên, tình trạng khách tự ý mở túi đựng áo phao khi không có sự hướng dẫn của tiếp viên, hoặc “cầm nhầm” áo phao ra khỏi tàu bay vẫn rất phổ biến.
Báo Giao thông cũng đăng tải thông tin về việc một nữ hành khách bị nhà chức trách hàng không tại sân bay Liên Khương ra quyết định xử phạt hành chính 8,5 triệu do trộm áo phao trên máy bay.
Trước đó, khi đang kiểm tra an ninh soi chiếu người và hành lý xách tay, an ninh sân bay phát hiện trong hành lý của một nữ hành khách có một chiếc áo phao chuyên dụng trên máy bay. Được biết, nữ hành khách tên Dương Thị Dung, dự định đi chuyến bay VJ408 từ Liên Khương về Hà Nội. Theo những thông tin ghi trên áo phao, an ninh sân bay Liên Khương nhanh chóng xác nhận, chiếc áo phao này do nữ hành khách “chôm” tại ví trí ghế ngồi số 18F trên chuyến bay VJ783 từ Hà Nội đi Cam Ranh mà khách bay trước đó.
Áo phao trang bị trên tàu bay với mục đích đảm bảo an toàn cho hành khách và hành khách chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của tiếp viên chuyến bay trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Mọi hành vi lấy áo phao ra khỏi vị trí khi không có yêu cầu của tiếp viên là vi phạm quy định về an toàn bay, uy hiếp an toàn cho chính hành khách đó và khách khác.
Về nguyên tắc, hành khách đi máy bay phải được trang bị đủ thiết bị an toàn trong đó có áo phao. Nếu thiếu phải được trang bị bổ sung - việc này dễ dẫn đến việc chậm chuyến bay; nếu không trang bị đủ, ghế thiếu áo phao sẽ không được xếp khách ngồi - việc này dẫn đến thất thu cho hãng vận chuyển, làm phát sinh ngoài ý muốn khoản chi phí không nhỏ để mua bù vào vị trí bị mất… Nếu lấy áo phao trên máy bay với bất cứ mục đích gì khác ngoài việc thay thế, sửa chữa hoặc trong trường hợp khẩn cấp đều là hành vi trộm cắp phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Bung xuồng phao do tự ý mở cửa thoát hiểm
Trên chuyến bay tiếp viên liên tục nhắc nhở hành khách không được tự ý mở cửa thoát hiểm. Thậm chí, các hành khách ngồi cạnh cửa thoát hiểm đều được tiếp viên chuyến bay đến tận nơi nhắc trực tiếp, song vẫn không ít trường hợp “phớt lờ” khuyến cáo.
PV Báo Giao thông từng ghi nhận trường hợp một hành khách của Vietnam Airlines “thấy phía trước đông người, liền nhanh nhẹn mở cánh cửa gần đó để xuống tàu bay... nhanh hơn”. Tương tự, tại Tân Sơn Nhất, đã xảy ra vụ việc một hành khách ngồi gần cửa thoát hiểm tự ý mở bung cánh cửa này khi được một bà mẹ trẻ bế đứa con đang khóc nhờ mở cửa để hai mẹ con xuống nhanh hơn.
Không chỉ tại Việt Nam, ngay cả khách nước ngoài cũng có vi phạm tương tự. Theo Dailymail, mới đây, trên chuyến bay của hãng hàng không Ryanair bay từ sân bay London Stansted tới sân bay Malaga, Tây Ban Nha, một người đàn ông Ba Lan vì quá sốt ruột với sự chậm trễ của hãng hàng không nên quyết định mở cửa thoát hiểm, tự rời khỏi máy bay. Đại diện hãng hàng không Ryanair xác nhận vụ việc và cho biết, hành khách này sẽ bị bắt giữ, thẩm vấn, cáo buộc về vi phạm an ninh sân bay và có thể bị phạt với khoản tiền lớn.
Trên máy bay, mỗi cửa thoát hiểm đều được bố trí xuồng phao cứu sinh, tự động bung ra khi cửa được mở. Mỗi phao tương ứng số khách nhất định. Khi một xuồng phao cứu sinh không sử dụng được, chuyến bay sẽ phải giảm số lượng khách theo tỷ lệ tương ứng, sau đó máy bay sẽ được đưa vào xưởng để lắp đặt lại xuồng phao với chi phí hàng trăm triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận