Xã hội

Hàng chục bến bãi VLXD không phép ngang nhiên hoạt động ở TP Thái Bình

16/01/2020, 13:07

Mặc dù UBND TP Thái Bình có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bến bãi tập kết VLXD nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại.

img
Dọc tuyến đê sông Trà Lý, TP Thái Bình có hàng chục bến bãi VLXD không phép ngang nhiên hoạt động

Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng

Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân ở các xã, phường trên địa bàn TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình về việc hoạt động của các bến bãi tập kết VLXD dọc tuyến đê trên sông Trà Lý gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khoẻ của nhiều người dân nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Theo ghi nhận thực tế, tuyến đê tả, hữu sông Trà Lý chạy qua địa bàn TP Thái Bình có tổng chiều dài hơn 21 km tập trung tại các xã, phường: Đông Thọ, Vũ Lạc, Vũ Đông, Kỳ Bá, Hoàng Diệu, Tiền Phong, Bồ Xuyên, Đông Mỹ...

Theo thống kê của Hạt quản lý đê TP Thái Bình, hiện có 49 bến bãi đang hoạt động tại khu vực ngoài đê sông Trà Lý. Trong đó, có 34 bến bãi tập kết VLXD, 10 bến bãi trung chuyển, hàng quán, xưởng sửa chữa.

Thời gian qua, hoạt động của các bến bãi tại TP Thái Bình đã gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ an toàn đê điều khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, những bãi tập kết vật liệu xây dựng ở đây chủ yếu tập kết cát vàng, cát đen, than đá, một số trạm trộn bê tông thường xuyên chất tải cao hơn mặt đê, không che chắn khiến cát, bụi bay vào khu dân cư làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Mặc dù đã nhiều lần có ý kiến tới chính quyền các cấp nhưng tình hình vẫn không được giải quyết triệt để.

Ông Đào Duy Thoả, xã Vũ Đông cho biết, hoạt động của các bến bãi này đã tồn tại nhiều năm nay. Người dân địa phương cũng nhiều lần phản ánh đến chính quyền và các cơ quan chức năng nhưng sau mỗi lần ra quân xử lý, việc đâu lại vào đấy. Hằng ngày, người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

Trên thực tế, 2 bên bờ sông Trà Lý xuất hiện hàng chục bến bãi tập kết VLXD khổng lồ. Điều đặc biệt là phần lớn các bến bãi này đều không có phép.

Cũng theo thống kê của Hạt quản lý đê TP Thái Bình, hiện có đến 37 bến hoạt động không phép, 43 bến không trong quy hoạch của UBND tỉnh.

Thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, bảo vệ môi trường tại các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn TP Thái Bình nhưng hiệu quả chưa cao. Những bến bãi không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Chính quyền "bó tay"?

Bà Lưu Thị Hợp, Hạt trưởng Hạt quản lý đê TP Thái Bình cho biết, toàn đơn vị có 7 cán bộ, nhân viên nhưng có đến 5 người là phụ nữ. Hằng năm, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các bến bãi vi phạm nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thậm chí, lực lượng chức năng còn gặp phải sự chống đối của các chủ bến bãi.

img
Hàng chục trường hợp bến bãi vi phạm bị lập biên bản trong năm 2019

Năm 2019, Hạt đã lập biên bản xử lý vi phạm Luật đê điều và Luật phòng chống thiên tai với 44 trường hợp. Trong đó, có đến 35 trường hợp vi phạm cũ vẫn còn tồn tại. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn chưa xử lý được trường hợp nào.

Năm 2019, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Chỉ thị số 18/CT-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng ký ban hành về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển; UBND TP Thái Bình cũng ban hành văn bản số 2172/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm này nhưng đến nay, các chủ bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các địa phương có nhiều bến bãi không phép vẫn hoạt động gây ô nhiễm môi trường như: phường Hoàng Diệu (8 bến bãi), phường Tiền Phong (8 bến bãi), phường Bồ Xuyên (7 bến bãi), xã Vũ Đông (3 bến bãi), xã Vũ Lạc (4 bến bãi)...

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND xã Vũ Đông, TP Thái Bình cho biết, dù UBND phường đã nhiều lần lập biên bản đình chỉ hoạt động nhưng các chủ bãi vẫn cố tình không chấp hành. Địa phương cũng muốn giải tỏa dứt điểm các bến bãi nêu trên nhưng vượt thẩm quyền, lực lượng chức năng của phường thì quá mỏng nên rất khó xử lý.

Đại diện Hạt quản lý đê TP Thái Bình cho biết thêm, để tăng cường công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ an toàn cho các tuyến, đơn vị mong muốn tỉnh Thái Bình cần siết chặt quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hoạt động tập kết, kinh doanh VLXD ven sông Trà Lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.