Nghi kẻ xấu hạ độc giết cây?
Những ngày vừa qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của bạn đọc xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về việc nhiều cây Lim có tuổi đời lên đến gần 100 năm tuổi chết khô, nghi có người “hãm hại”.
Ngày 10/6, PV đã có mặt tại rừng lim ở khu vực tổ liên gia động Hòn Sáo (thuộc xóm 2, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành). Theo quan sát, rừng lim này nằm ngay sát khu dân cư, xen lẫn trong rừng lim có rất nhiều keo tràm của người dân.
Tại khu vực sát đập Bồng Sơn có 10 cây lim có kích thước khác nhau đã chết khô. Dưới đất dấu vết của việc đốt thảm thực bì vừa mới xảy ra không lâu, nhiều cây lim bị cháy lẹm từ gốc tới gần ngọn.
Tại vị trí này và khu vực sát ngoài đường giao thông liên xã, có nhiều cây lớn (chưa rõ loại cây gì) bị cưa bỏ. Phần thân cây đã được đưa đi nơi khác, chỉ còn lại phần gốc cây. Đường kính các gốc cây lớn bị cắt có thể lên đến hơn 50cm.
Các cây này được cưa sát mặt đất và bị ai đó dùng cành cây bụi và cỏ dại che lấp lại.
Dựa theo hiện trạng gốc cây, có những cây đã bị cưa bỏ từ lâu, gỗ đã mục nát; nhưng cũng có những cây mới bị cưa.
Trong khi đó, ở sườn đồi phía sau lưng vị trí đập Bồng Sơn cũng có khoảng một chục cây lim cũng đã bị chết khô, vỏ cây bị bong ra, lớp gỗ bên trong bắt đầu mục dần.
Qua đo đạc, có nhiều gốc cây có kích thước vanh cây lên đến 170-180cm. Xen lẫn trong những cây lim khổng lồ là vườn keo tràm của người dân đã cao tới đầu người lớn.
Một người dân làm trang trại tại đây cho biết: Hiện tượng cây lim chết bắt đầu tư khoảng đầu năm 2023 đến nay.
Khi được hỏi nhận định về nguyên nhân những cây lim chết, người này cho biết: Có những thời điểm lim bị sâu rất nhiều. Nhưng nếu chết vì sâu bệnh thường cây có biểu hiện khác, không chết khô như hiện tại. Nhiều người dân địa phương bàn tán nhau, hay là cây bị kẻ xấu tiêm thuốc, bỏ thuốc “hạ độc”.
Chồng chéo nên rất khó quản lý và xử lý
Trước thực tế này, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, huyện Yên Thành xác nhận có chuyện nhiều cây lim trong rừng đặc dụng khu vực động Hòn Sáo bị chết khô chưa rõ nguyên nhân.
Theo ông Sơn, giữa tháng 6/2023, qua kiểm tra địa phương phát hiện trong tổng số gần 30 cây lim trong rừng lim khu vực động Hòn Sáo, có 1 cây đường kính 38cm, cao 8m bị chết khô; còn hơn 10 cây kích thước tương tự có dấu hiệu rụng lá, bị khô.
Qua kiểm tra trực quan, không thấy có hiện tượng tác động của con người như vạc vỏ, tiện, đốt ở gốc…
Bước đầu đếm được khu vực này cũng có đến khoảng 10 cây lim bị chết khô, vỏ đã bong ra khỏi thân cây
“Lúc ấy, do điều kiện về mặt chuyên môn của địa phương không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra để tìm ra nguyên nhân nên xã đã có công văn đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Thành cử các bộ chuyên môn phối hợp với xã trực tiếp kiểm tra để có hướng khắc phục số diện tích cây lim trên. Tuy nhiên, không có cán bộ trung tâm về để phối hợp kiểm tra. Sau đó, qua kiểm tra lại, chúng tôi thấy một số cây lại mọc chồi, xanh lá trở lại”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, theo lịch sử Đảng bộ xã, rừng lim quý trên địa bàn xã được ông cha trồng từ những năm 50 của thế kỷ XX.
Xã sẽ cử cán bộ đi kiểm tra ngay phản ánh của phóng viên. Nếu đúng sẽ tiếp tục có văn bản gửi trung tâm trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và các đơn vị chức năng có liên quan để phối hợp tìm nguyên nhân, hướng khắc phục.
Xác nhận thông tin, ông Nguyễn Viết Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Yên Thành cho biết thêm: Vào ngày 5/6/2024, cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra thì phát hiện gia đình ông Hoàng Danh Hợp (ở xóm Làng Danh, xã Lăng Thành) đốt thực bì sau khai thác keo tại lô 254, khoảnh 7, tiểu khu 877 (khu gần đập Bồng Sơn); và tại đây có nhiều cây lim bị chết.
Ngày 6/6, hạt kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh nguyên nhân lim chết.
Kết quả, diện tích gia đình ông Hợp đốt thực bì sau khai thác keo là hơn 4.800m2; thời gian đốt xử lý thực bì là chiều ngày 4/6/2024.
Tại khu vực này có 10 cây lim chết đứng, đã mục phần vỏ thân cây. Quan sát các gốc cây lim không có hiện tượng ken cây, đẽo vỏ, khoan gốc…
Đoàn kiểm tra cũng xác định việc đốt xử lý thực bì sau khai thác keo không làm chết cây lim vì xung quanh các gốc cây được dọn sạch thực bị trước khi đốt, không gây cháy lem. Tuy nhiên, việc đốt xử lý thực bì của gia đình ông Hoàng Danh Hợp là chưa đúng quy trình, quy định nên đã bị xử phạt 1,5 triệu đồng.
“Từ kết quả kiểm tra trực quan, có thể kết luận 10 cây lim chết đứng không rõ nguyên nhân; không có yếu tố tác động từ con người. Còn để có kết quả phân tích cây có bị “hạ độc chết” như một số thông tin lan truyền thì phải nhờ cơ quan chuyên môn cao hơn”, ông Khánh nói và cho biết thêm:
Việc quản lý và xử lý những cây lim gặp rất nhiều khó khăn vì có những vướng mắc, chồng chéo. Theo quyết định 48/2014 của UBND tỉnh Nghệ An thì khu vực rừng lim ở Lăng Thành là rừng đặc dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, trước đó rừng đã được giao cho dân, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nguồn gốc là rừng sản xuất, rừng phòng hộ.
Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc, chủ sở hữu các cây lim này cũng chưa rõ ràng. Theo lịch sử Đảng bộ xã Lăng Thành thì cây được trồng từ những năm 50 của thế kỷ XX; người thì nói của của hợp tác xã, người thì nói của các dòng họ, hộ cá thể trồng…
“Chính sự chưa rõ ràng và chồng chéo nên ngay việc xử lý những cây lim bị chết cũng rất khó thực hiện”, ông Khánh nói.
Điều này cũng được ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành xác nhận: Quy hoạch là rừng đặc dụng nhưng trước đó đất rừng đã được giao và cấp bìa cho dân. Khi có sự vụ, sự việc thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn có giá trị pháp lý cao hơn. Giờ muốn khoanh lại để bảo vệ theo đúng rừng đặc dụng thì phải đền bù tài sản trên đất cho dân, rồi tiến hành thu hồi đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận