Chỉ gần một tháng nữa là đến hạn chót, nhưng vẫn còn khoảng 60.000 bằng thuyền trưởng, máy trưởng đường thủy cấp trước năm 2015 chưa chuyển đổi và đối diện với nguy cơ bị xử phạt nặng...
Sắp hết hạn vẫn thờ ơ không đổi
Đầu tháng 12/2019, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các bến thủy trên sông Công, tỉnh Thái Nguyên, hàng chục thuyền viên vẫn đang sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy cũ, được cấp trước năm 2015. Khi được hỏi, hầu hết thuyền viên cho biết đã nắm được thông tin về việc phải đổi bằng, nhưng do phải đi lại liên tục trên sông nước và còn hơn 20 ngày nữa mới hết hạn nên chưa đổi.
“Bằng thuyền trưởng của tôi, máy trưởng của vợ đều được cấp từ năm 2013 nên phải đổi. Mấy lần định mang cả hai bằng đi đổi nhưng bận liên tục, ít có thời gian lên bờ”, thuyền trưởng hạng nhất Nguyễn Xuân T. (xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nói.
Còn anh Hồng, thuyền trưởng tàu VP-216... cho biết: “Cảng vụ cấp phép cho tàu vào bến phát tờ rơi, thi thoảng nhắc nhở việc đổi bằng đúng hạn, song chưa đổi vì không rõ mất mấy ngày mới đổi được bằng mới và cũng sợ trong thời gian chờ đợi nếu bị kiểm tra sẽ bị xử phạt vì không có bằng”, anh Hồng chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Huỳnh Lý, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Thái Nguyên cho biết, cách đây nhiều tháng, các cảng vụ viên của đơn vị đã tuyên truyền, vận động thuyền viên đi đổi bằng, nhưng đến nay nhiều người chưa thực hiện. “Nhiều thuyền viên nêu lý do đi lại dài ngày trên sông nước nên chưa đổi được, thậm chí nhờ đơn vị đổi giúp”, ông Lý cho biết.
Tại khu vực hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có hơn 300 tàu chở khách du lịch, với hàng trăm bằng thuyền trưởng, máy trưởng được cấp trước năm 2015 và buộc phải đổi sang mẫu mới. Từ tháng 3 đến cuối năm là thời điểm hết mùa du lịch và hầu hết tàu thuyền đều neo đậu một chỗ, dù vậy nhiều thuyền viên vẫn chưa đổi bằng.
“Theo chỉ đạo của Cục ĐTNĐ, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, đơn vị đã có văn bản, liên tục tuyên truyền, vận động người dân đổi bằng, nhưng đến nay chưa nhiều người thực hiện. Có thể do sau khi hết mùa lễ hội, người dân neo phương tiện một chỗ, đi làm ăn nơi xa nên chưa làm. Tuần tới, liên ngành cảng vụ và CSGT đường thủy tiếp tục rà soát, nhắc nhở, vận động thuyền viên đổi bằng đúng hạn”, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình cho biết.
Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ, các bằng thuyền trưởng, máy trưởng được Cục ĐTNĐ Việt Nam, Sở GTVT các địa phương cấp trước năm 2015 phải đổi sang mẫu mới (Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng) trước ngày 1/1/2020 mới có giá trị sử dụng trong thời gian tiếp theo. Ước tính có khoảng 75.000 bằng phải chuyển đổi nhưng đến nay mới có gần 15.400 bằng đã đổi, còn khoảng 60.000 bằng thuyền trưởng, máy trưởng sắp hết hạn nhưng chưa có hồ sơ đề nghị đổi.
Xử phạt nặng, đình chỉ bằng quá hạn
Đề cập nguyên nhân kết quả đổi bằng đạt tỷ lệ thấp, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi bằng từ nhiều tháng nay, song ở các địa phương vẫn ít có sự quan tâm. Đến nay, mới có 27 sở GTVT gửi báo cáo tổng hợp tình hình triển khai”.
Ông Trần Quang Trung, quyền Trưởng chi cục ĐTNĐ phía Nam (đơn vị được Cục ĐTNĐ Việt Nam ủy quyền cấp đổi bằng) cho biết, thời gian gần đây thuyền viên đi đổi bằng tăng hơn trước và dự kiến từ nay đến trước khi hết hạn sẽ tăng, song do thiếu dữ liệu gốc (số bằng đã cấp, nâng hạng bằng, thuyền viên nghỉ việc) để biết số bằng còn phải đổi là bao nhiêu. “Hiện, vẫn còn thời gian để thuyền viên đổi bằng, nhưng khi hết hạn khó đạt 100%”, ông Trung nói.
Về phía cảng vụ, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III, IV (Cục ĐTNĐ Việt Nam, nơi có số lượng thuyền viên nhiều) cho biết, thời gian qua, các đơn vị khi cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng, bến thủy không đánh giá, thống kê số lượng bằng cần phải đổi mà chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động đổi.
Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, đơn vị nhiều lần thông báo cho các tàu thuyền về việc đổi bằng, đồng thời khi cảng vụ viên làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng bến cũng kiểm tra thời gian cấp bằng để nhắc nhở việc đổi. Đến nay, thuyền viên các tàu thường xuyên hoạt động tại địa bàn đã chuyển đổi bằng thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định.
“Từ năm 2020, trường hợp thuyền viên sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng được cấp trước năm 2015 sẽ bị cảng vụ phạt tiền theo Nghị định 132/2015 về hành vi sử dụng bằng quá hạn, mức phạt 2 - 3 triệu đồng”, ông Dũng cho biết.
Còn ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình cho biết, ngoài xử phạt tiền theo quy định, cơ quan cảng vụ có thể đình chỉ người sử dụng bằng quá hạn, không cho phép tham gia điều khiển, vận hành phương tiện thủy. “Chủ phương tiện có thuyền trưởng, máy trưởng chưa đổi bằng, khi muốn vận chuyển khách phải lên kế hoạch vận chuyển và phương án sử dụng thuyền trưởng, máy trưởng có giấy chứng nhận khả năng chuyển môn đúng quy định mới được cấp phép rời bến”, ông Sơn nói.
Quá hạn, phải thi lại mới được cấp bằng mới
Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư 40/2019 của Bộ GTVT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng không đổi đúng thời hạn sẽ phải thi lại mới được cấp bằng (giấy chứng nhận khả năng chuyên môn) mới.
Cụ thể, kể từ ngày 31/12/2019, người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng quá thời hạn sử dụng 12 tháng phải dự thi lý thuyết để được cấp bằng. Quá thời hạn dưới 24 tháng, phải dự thi lại lý thuyết và thực hành. Còn quá thời hạn từ 24 tháng trở lên phải học, thi theo chương trình tương ứng với loại, hạng bằng đã được cấp. Bằng mới có giá trị sử dụng 5 năm/lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận