25 tỷ USD đầu tư và 61 tỷ USD nợ vay
Tình hình chính trị bất ổn ở Venezuela có thể đẩy đất nước này lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc khiến thay đổi chính trị. Điều này có thể gây rủi ro cho khoản đầu tư trị giá hơn 25 tỷ USD và khoản cho vay hàng chục tỷ USD khác của Trung Quốc và Nga tại đất nước Nam Mỹ này.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), cả Moscow và Bắc Kinh đều đang lo lắng cho các khoản đầu tư lớn vào Caracas trước tình hình bất ổn tại Venezuela.
Nga và Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, đồng thời cảnh báo Washington không được làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước nam Mỹ này.
Margaret Myers, Giám đốc chương trình châu Á và Mỹ La-tinh ở tổ chức Đối thoại liên Mỹ có trụ sở ở Washington, cho rằng, Venezuela là một nhân tố quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của Bắc Kinh. Do đó, cường quốc châu Á đã rót rất nhiều tiền đầu tư để nắm giữ các tài sản ở nước này.
Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Venezuela khi cung cấp các khoản vay liên quan đến năng lượng trị giá 55 tỷ USD cho Caracas. Do không thể trả được các khoản nợ quá hạn, Caracas buộc phải sử dụng những thùng dầu giá rẻ để trả nợ cho Bắc Kinh.
WJS cho hay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tìm cách tiếp xúc với phe đối lập ở Venezuela với hy vọng duy trì quyền lợi của một chủ nợ.
Về phần Moscow, Venezuela là một đồng minh quan trọng. Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 12/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết hỗ trợ hết sức ông Maduro.
Nga và Venezuela đã ký kết hợp tác nhiều dự án đầu tư và thương mại, chủ yếu liên quan đến phát triển các mỏ dầu khí, với tổng mức đầu tư lên đến 4,1 tỷ USD. Venezuela cũng đang nợ chính phủ Nga hơn 3 tỷ USD.
Khoản nợ này đã được tái cấu trúc vào tháng 11/2017, cho phép chính phủ của ông Maduro có nhiều thời gian hơn để trả nợ. Ngoài ra, Venezuela còn nợ Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga khoảng 3 tỷ USD.
Nguy cơ tái cấu trúc nợ nếu Venezuela có thay đổi
Trong bối cảnh chính trị hỗn loạn tại Venezuela, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi về việc chính quyền Tổng thống Maduro có thể trụ vững hay không và liệu sự ủng hộ của quân đội dành cho ông có được duy trì đủ mạnh hay không?
Ông Paul Greer, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư nợ ở các thị trường mới nổi của Công ty Fidelity International nhận xét, sự chống đối từ phe đối lập ở trong nước đối với Tổng thống Maduro chưa bao giờ cao hơn như lúc này.
Các nhà phân tích đã đưa ra các ý kiến trong trường hợp chính phủ mới lên nắm quyền tại Venezuela.
Trước đây, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido từng cảnh báo các công ty và chính phủ nước ngoài rằng các khoản đầu tư lớn của họ ở Venezuela cần được phe đối lập phê duyệt.
Theo đó, ông Guaido nói rằng, những thỏa thuận đầu tư được ký kết với chính phủ ông Maduro sẽ không có hiệu lực thi hành về mặt pháp lý nếu ông Maduro mất quyền lực.
Ông Likka Korhonen, Giám đốc Viện Các nền kinh tế chuyển tiếp thuộc Ngân hàng Trung ương Phần Lan, nhận định cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Venezuela có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế trầm trọng, từ đó thúc đẩy việc tái cấu trúc nợ quốc gia.
“Thậm chí nếu tái cấu trúc nợ không diễn ra, bất kỳ chính phủ mới nào ở Venezuela cũng sẽ muốn thẩm định lại những thương vụ được ký kết bởi chính phủ tiền nhiệm”, ông Korhonen nói thêm.
Theo chuyên gia người Phần Lan, công việc thẩm định sẽ được tiến hành cho cả các khoản đầu tư của Nga và Trung Quốc.
“Thực hiện điều này sẽ rất phức tạp nhưng đây là những gì Malaysia đã làm với các thương vụ đầu tư của Trung Quốc sau khi có sự thay đổi chính phủ”, ông Korhonen nhận xét các khả năng có thể xảy ra nhất nếu có sự thay đổi lớn về quyền lãnh đạo Venezuela tại Caracas.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận