Hơn 20 tỷ USD đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Tính đến 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ KH&ĐT cho biết, ngoài vốn đăng ký điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.
Về vốn đăng ký cấp mới, có 2.865 dự án mới được cấp phép (tăng 58,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD (tăng 42,4% so với cùng kỳ).
Vốn đăng ký điều chỉnh, có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD (giảm 32,1% so với cùng kỳ).
Còn vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, thì có 3.166 lượt (giảm 4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD (tăng 46,4% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 31,4% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,54 tỷ USD, chiếm gần 0,05% và gần 1,04 tỷ USD, chiếm 0,036%. Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 32,9%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,1%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 40,9%).
110 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam
Bộ KH&ĐT cũng cho biết trong 11 tháng năm 2023, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2022.
Hồng Kông đứng thứ hai với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,9%).
Tính lũy kế đến ngày 20/11, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 462,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong báo cáo này, Bộ KH&ĐT cũng đề cập đến đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể, trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 395 triệu USD (bằng 83,3% so với cùng kỳ). Trong đó, có 117 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 257,28 triệu USD (bằng 65% so với cùng kỳ); có 24 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 137,75 triệu USD (tăng 75,9 so với cùng kỳ).
Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 2 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 150,3 triệu USD, chiếm 38% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận